Chiều 12-12, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở thành phố đã tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện dân chủ ở cơ sở giữa hai Ban Chỉ đạo Xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội và đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Dân vận Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội nghị.
Báo cáo do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Vũ Hà trình bày cho thấy, thời gian qua, Thành ủy, các cấp ủy Đảng thành phố Hà Nội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai các văn bản của Trung ương, thành phố về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng.
Từ năm 2021 đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức 2.480 hội nghị phản biện; tổ chức các hội nghị góp ý, thu được 53.324 ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giám sát theo Quyết định số 217-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị 24.624 cuộc; tham gia đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân với 1.682 cuộc…
Quang cảnh hội nghị.
Thành phố Hà Nội cũng tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo hình thức trực tuyến tới hơn 20.000 đại biểu tại các điểm cầu; chủ trì, tổ chức nhiều hội nghị phát động, ký kết giao ước thi đua về công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án lớn, như dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội…
Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, từ năm 2022 đến nay, các địa phương đã thực hiện tốt công tác tiếp công dân với 6.694 lượt người, tiếp nhận 5.079 đơn. Các Ban Thanh tra nhân dân đã tổ chức 12.567 cuộc giám sát, phát hiện 1.566 vụ việc vi phạm, kiến nghị chính quyền các cấp, các cơ quan có thẩm quyền; được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng xem xét, giải quyết 1.446 vụ việc (đạt 92,3%).
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn trao tặng quà lưu niệm cho Ban Dân vận Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Mạnh Cường trao tặng quà lưu niệm cho Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội
Việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập được gắn với công tác cải cách hành chính. Kết quả, năm 2022: Chỉ số Cải cách hành chính – PAR INDEX của Hà Nội đạt 89,58 điểm, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2021; Chỉ số SIPAS đạt 80,16%, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố…
Tại hội nghị, Ban Dân vận Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ những kết quả trong việc triển khai QCDC ở cơ sở; các mô hình hay, cách làm hiệu quả mà thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội và Ban Dân vận Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh cũng đã trao đổi nhiều ý kiến nhằm chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý trong triển khai dân chủ tại cơ sở.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn đã điểm lại những kết quả nổi bật về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở thành phố Hà Nội đã triển khai. Đồng chí nhấn mạnh, việc thành phố hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô trong thời gian chưa đầy 1 năm đã khẳng định, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ở đâu việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được thực hiện có hiệu quả thì dù nhiều “việc nóng, việc khó” của địa phương cũng được giải quyết.
Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội và Ban Dân vận Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm.
Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Dân vận Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, qua các buổi thực tế, trao đổi kinh nghiệm giữa hai đơn vị, đoàn công tác đã cảm nhận rất rõ nét sự tập trung, quyết liệt của Thường trực Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo các sở, ngành của thành phố cũng như các quận, huyện, phường, xã của Hà Nội với một mục tiêu chung: Tất cả vì sự phát triển của Thủ đô trong sự phát triển chung của đất nước.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường cũng mong muốn, sau chuyến thực tế, trao đổi kinh nghiệm lần này, hai địa phương tiếp tục tổ chức các buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Đoàn công tác cũng sẽ tiếp thu những kinh nghiệm hay mà thành phố Hà Nội đã chia sẻ, đúc rút kinh nghiệm quý từ những trăn trở của thành phố Hà Nội trong quá trình phát triển, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Trung ương giao.
Tấn Đạt