Dân vận bằng trái tim

Đặt vai trò công tác dân vận của Đảng trong bối cảnh dịch bệnh đang căng thẳng nhiều tháng qua, đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP xung quanh vấn đề này.

Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Hữu Hiệp (thứ 2 từ phải qua) thăm, động viên và trao quà hỗ trợ đến các hộ dân vừa tạm chuyển chỗ ở tới Nhà nghỉ Công đoàn Thanh Đa, quận Bình Thạnh
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Hữu Hiệp (thứ 2 từ phải qua) thăm, động viên và trao quà hỗ trợ đến các hộ dân vừa tạm chuyển chỗ ở tới Nhà nghỉ Công đoàn Thanh Đa, quận Bình Thạnh

Nỗ lực lớn

Phóng viên: Mới đây, khoảng 2.000 người dân ở trọ trong khu chật chội, lụp xụp trên địa bàn quận Bình Thạnh (TPHCM) có nguy cơ lây nhiễm cao đã được di chuyển tới nơi tốt hơn để tránh dịch Covid-19. Trực tiếp đến thăm các hộ dân vừa chuyển đến nơi ở mới, cảm nhận của đồng chí về cuộc sống mới của người dân ra sao?

Đồng chí NGUYỄN HỮU HIỆP: Tôi rất vui khi trực tiếp tiếp xúc người dân sinh sống trong những căn hộ, căn phòng ở chung cư 1050 Chu Văn An và Nhà nghỉ Công đoàn Thanh Đa (quận Bình Thạnh). Người dân có cuộc sống mới tươm tất hơn, không gian rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát, có bếp nấu ăn, có khuôn viên thư thái. Người dân có 22 ngày sinh sống trong đó và không phải lo trả tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước. Hai ngày đầu tiên, người dân được tặng cơm nước đầy đủ. Từ ngày thứ ba, các hộ dân tự nấu nướng bằng vật dụng mang theo. Xe bán hàng lưu động được tổ chức ngay tại chỗ để phục vụ nhu cầu đi chợ của bà con.

Trong lúc gặp gỡ, có người dân nói rất cảm ơn các ban ngành và địa phương đã đưa họ đến nơi ở mới khang trang và tiện nghi đầy đủ, có người dân không kịp nói nhưng tôi thấy điều đó – lời cảm ơn – từ ánh mắt xúc động của họ. 

Việc vận động người dân trong các khu nhà trọ lụp xụp ấy đã được tính toán, đặt ra như thế nào, thưa đồng chí?

Thực ra, TPHCM chưa có chủ trương vận động người dân tạm chuyển chỗ ở. Tuy nhiên, qua phân tích, không ít số ca F0 phát sinh từ các nhà trọ chật chội, nhà trong các hẻm nhỏ (dưới 2m), hẻm sâu, nhà trên và ven kênh rạch… Những nơi này một khi đã có F0 thì không phát sinh đơn lẻ mà thường xuất hiện cả chùm, cả chuỗi.

Quận Bình Thạnh có khoảng 490.000 dân sống tại 20 phường. Trong đó 16 phường có các khu nhà trọ có nguy cơ lây nhiễm cao với tổng số gần 4.000 người nên chúng tôi đề nghị vận động di chuyển tạm 50% dân tại đây tới nơi an toàn hơn. Trên cơ sở phương án, sự quyết tâm của quận Bình Thạnh, Ban Dân vận Trung ương chấp thuận và chỉ đạo, Ban Dân vận Thành ủy TPHCM phối hợp với quận thực hiện. Trước khi thực hiện, tôi có xin ý kiến đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và nhận được sự ủng hộ cao.

Công tác vận động, di chuyển số lượng người lớn đã được thực hiện an toàn, đảm bảo không lây nhiễm dịch bệnh và không phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự trong lúc di chuyển cũng như nơi ở mới. Kết quả đó có sự nỗ lực rất lớn của quận Bình Thạnh.

Dân vận bằng trái tim  ảnh 1
Đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM

Bí quyết ở 2 chữ “vì dân”

Để vận động 2.000 người dân di chuyển đến nơi ở mới là không dễ dàng. Đồng chí có thể chia sẻ bí quyết để có được sự đồng thuận của người dân trong đợt này?

Ban đầu người dân chưa đồng thuận ngay đâu! Trong 2 tiếng đồng hồ đầu tiên, có khoảng 30% người dân đồng ý tạm chuyển chỗ ở. Sau khi đến nơi ở mới, người dân thấy nơi mới tốt hơn nơi cũ. Thêm vào đó, mỗi hộ được tặng 1 túi an sinh và 500.000 đồng, trẻ em có thêm sữa uống… Thấy môi trường tốt, lại được thêm tiền, hỗ trợ nhiều thực phẩm nên người dân truyền tin nhau “tốt lắm, đi đi” và rồi cùng đi. Ngay ngày đầu tiên triển khai (ngày 26-8), có hơn 800 người dọn đến nơi ở mới một cách hào hứng, phấn khởi. “Bí quyết” ở đây là sự kỹ lưỡng, chu đáo và thực tâm vì dân. 

Từ thành công ấy liệu có nên mở rộng ra một số quận, huyện khác đông dân có nhiều người ở trong nhà trọ chật hẹp, lụp xụp không, thưa đồng chí?

Nếu các quận, huyện muốn thực hiện phải bàn với dân, với người đang cho người dân thuê ở trọ. Chúng ta cần có sự đồng hành của họ. Nếu chủ nhà trọ đồng ý, cùng với địa phương vận động người ở trọ thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Thêm vào đó, các quận, huyện phải tính được các điều kiện để người dân có thể sinh sống được khoảng 3 tuần tại đó với các điều kiện sinh hoạt đảm bảo. Từng địa phương nhận thấy giải pháp nào mà mình làm chắc chắn thì mới thực hiện. Bởi có thể có nhiều cái tốt nhưng chưa chắc cái tốt đó đã có lợi cho dân. Nên muốn làm thì phải chặt chẽ, kỹ lưỡng và hết sức thận trọng.

Trong thời điểm mà người dân rất lo lắng vì dịch bệnh, công tác dân vận của thành phố đã có những cách làm gì để gần dân, hiểu dân, từ đó tham mưu giải pháp đảm bảo an dân, chăm lo cho người dân?

Trong lúc cao điểm phòng chống dịch Covid-19 hiện nay, công tác dân vận phải nỗ lực hơn, góp phần phải khơi dậy được phong trào bảo vệ vùng xanh. Chỉ có nhân dân mới có thể thảo luận, đồng thuận và cùng nhau bảo vệ, giữ gìn và lan tỏa vùng xanh nơi mình sinh sống. Ý thức người dân là phòng tuyến quan trọng nhất và chiến thắng trong cuộc chiến với Covid-19 là chiến thắng thuộc về nhân dân. Cùng với đó, ngành dân vận cũng tham gia vận động chủ nhà trọ miễn giảm giá phòng trọ cho người dân; vận động doanh nghiệp, mạnh thường quân đóng góp kinh phí, tài lực, cơ sở vật chất làm bệnh viện dã chiến, nơi thu dung, cách ly, điều trị F0…

Mọi người giúp nhau xuất phát từ cái tâm, sự hỗ trợ giúp đỡ vô điều kiện, thể hiện những nghĩa cử cao đẹp của người Việt với đồng bào như hàng ngàn năm qua đã làm. Lúc giãn cách xã hội thì dân vận khó tiếp cận trực tiếp để nói cho dân nghe, vì thế cán bộ dân vận phải ứng dụng công nghệ thông tin, biết sử dụng công nghệ trong vận động quần chúng. Đó là điểm mới, thể hiện nỗ lực của ngành dân vận, cố gắng làm theo lời Bác Hồ dạy là lấy sức dân lo cho dân, lấy người khá lo cho người khó.

Điều đồng chí tâm đắc nhất trong công tác dân vận giữa đại dịch?

Tôi tâm đắc nhất là vận động được các chức sắc tôn giáo đồng hành cùng chính quyền phòng chống dịch Covid-19. Chính có sự đồng hành đó giúp việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch có sự lan tỏa, thấm sâu trong dân. Đặc biệt, các chức sắc tôn giáo đã cử lực lượng tình nguyện viên tham gia tuyến đầu chống dịch nhằm giảm tải cho lực lượng y tế. Tình nguyện viên tôn giáo đã xông pha vào tuyến đầu chống dịch, hiến tặng tâm từ bi bác ái, chia sẻ tình yêu thương đồng bào, ban tặng sự bình an đối với cộng đồng. 

Ngoài ra, các tổ dân phố, ấp đã đóng góp vai trò rất quan trọng trong đợt dịch thứ tư bùng phát. Họ làm rất tốt công việc của mình. Họ nắm kỹ số hộ dân, các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn; nắm chắc tình hình F0 và nắm sát được các chủ nhà trọ. Họ giúp cho hệ thống chính trị, chính quyền địa phương nắm được từng trường hợp để nhanh chóng chăm lo, giúp đỡ.

ĐƯỜNG LOAN thực hiện

Scroll to Top