TPHCM 20 năm hiến đất mở rộng hẻm – Khi lòng dân đã thuận

Trước thềm hội nghị tổng kết 20 năm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường, hẻm trên địa bàn TPHCM, Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM về công tác dân vận và kết quả của phong trào được người dân đồng thuận này.

Nhiều lợi ích sau khi mở rộng hẻm

Phóng viên: Đồng chí nhận xét gì về kết quả hơn 20 năm thực hiện cuộc vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm mà TPHCM thực hiện?

Đồng chí NGUYỄN HỮU HIỆP: TPHCM có nhiều loại hình hẻm, chúng ta chưa thống kê được có bao nhiêu kilômét hẻm trên địa bàn. Có những hẻm sâu, không có cống thoát nước, có hẻm nhỏ tới mức chỉ đủ cho một người qua, gây khó khăn trong lưu thông, PCCC, đảm bảo an ninh trật tự và chất lượng cuộc sống của người dân. Song, ngân sách thành phố không đủ để đầu tư toàn bộ hạ tầng giao thông mà phải ưu tiên cho những tuyến đường huyết mạch. Từ thực tiễn đó, người dân chung tay mở rộng, nâng cấp các tuyến đường, hẻm nơi mình đang sinh sống; và phong trào hiến đất làm đường, mở rộng hẻm với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” dần được hình thành.

TPHCM 20 năm hiến đất mở rộng hẻm - Khi lòng dân đã thuận ảnh 1
Đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM
Chúng ta sẽ không có kết quả hôm nay nếu không có sự chung tay đồng thuận và ủng hộ của đông đảo nhân dân.Trong đó có những hộ dân, dù không gian nhà ở rất chật hẹp vẫn tự nguyện hiến đất mở rộng hẻm. Những nghĩa cử cao đẹp, rất đáng trân trọng ấy đã giúp bộ mặt đô thị TPHCM được khang trang hơn, hiện đại hơn. Công cuộc chỉnh trang đô thị, mở rộng hẻm, đường vẫn tiếp tục thực hiện, để phát triển thành phố theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình rất cần sự tiếp tục chung tay, đồng thuận của nhân dân
Đồng chí NGUYỄN HỮU HIỆP

Phong trào hiến đất mở rộng hẻm tại TPHCM được khởi xướng từ những năm 2000 và lan tỏa sâu rộng, nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân. Qua hơn 20 năm thực hiện, nhiều khu dân cư, con hẻm đã không còn cảnh ngập nước, cảnh “người lùi, người tiến” để tránh nhau như trước. Đường sá, ngõ hẻm thông thoáng cũng giúp việc kinh doanh, buôn bán của người dân thuận lợi hơn, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, đảm bảo an toàn cho người dân.

Kết quả đó đã đáp ứng được mục tiêu mà thành phố đề ra?

Kết quả đạt được là rất quan trọng, nhưng phải khẳng định là chưa thể đáp ứng được mục tiêu thành phố đề ra. Bởi lẽ, TPHCM là nơi thu hút rất đông người dân ở các nơi khác đến sinh sống, học tập và làm việc, đòi hỏi thành phố phải tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị để đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, đi lại của người dân. Đồng thời, nhu cầu cuộc sống của người dân ngày càng cao, do đó thành phố sẽ phải tiếp tục cuộc vận động để có nhiều tuyến hẻm, đường khang trang hơn trong thời gian tới.

TPHCM 20 năm hiến đất mở rộng hẻm - Khi lòng dân đã thuận ảnh 2
Để có được con hẻm 74 Trương Quốc Dung (phường 10, quận Phú Nhuận) rộng rãi, thoáng đẹp, người dân nơi đây đã 2 lần hiến đất để nhà nước nâng cấp hẻm. Ảnh: QUỐC THANH

Thực tế cho thấy nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt công tác vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường, hẻm, nhưng cũng có nhiều nơi phong trào này khá mờ nhạt?

Với lăng kính của người làm công tác dân vận, tôi nhận thấy ở nơi nào công tác dân vận được thực hiện tốt thì phong trào này rất mạnh mẽ, đặc biệt là nếu biết vận dụng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Ví dụ, quận 3 vận động người dân hiến đất mở rộng được 95 hẻm; quận Phú Nhuận mở rộng 102 tuyến đường, hẻm; TP Thủ Đức mở rộng, chỉnh trang gần 900 đường, hẻm lớn nhỏ. Mới đây, dù trong đại dịch Covid-19, quận 7 cũng vận động nhân dân hiến đất mở rộng 11 tuyến hẻm.

Nói như vậy để thấy, nếu có giải pháp phù hợp thì trong hoàn cảnh nào cũng sẽ làm được. Song, tùy điều kiện của từng địa phương mà có những ưu tiên cho từng phần việc. Có địa phương tập trung đẩy mạnh đảm bảo an ninh trật tự, có địa phương tập trung mở rộng hẻm. Vì vậy nơi này làm tốt việc vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm, nơi kia còn mờ nhạt là điều dễ hiểu.

Sự đồng thuận của người dân là mấu chốt quan trọng

Vậy kinh nghiệm cốt lõi để việc vận động người dân hiến đất mở rộng đường, hẻm đạt hiệu quả là gì, thưa đồng chí?

Công tác dân vận luôn phải bám vào thực tiễn của từng nơi để làm chứ không thể có mẫu chung. Ở khu vực nội thành, đô thị phát triển ổn định, người dân tham gia hiến đất không nhiều nhưng giá trị lại rất lớn. Trong khi ở vùng ven, giá trị đất thấp hơn nhưng diện tích đất hiến lớn. Vì vậy, người làm công tác dân vận phải “nắm” được người có tính tiên phong, ở từng nơi phải chọn được điểm mấu chốt để vận động. Đó có thể là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, những người có uy tín đối với dân cư trong khu vực hoặc những gia đình có đất nằm ở vị trí đầu hẻm. Khi những người này đồng thuận sẽ tạo ra sự hưởng ứng từ những người khác.

Điều quan trọng nữa là người dân thấy được những lợi ích sau khi mở rộng đường, hẻm. Đó không chỉ là giá trị về đi lại, an toàn PCCC mà còn nằm ngay trên giá trị đất. 

Cho đi 1m, giá đất tăng gấp nhiều lần thì các dịch vụ khác cũng sẽ tăng theo, nên thực tế hiến đất là một phép tính mà các bên cùng có lợi. Chính sự đồng thuận của người dân là mấu chốt quan trọng.

Hiện nay, nhất là sau khi người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, việc vận động người dân hiến đất có gặp khó khăn?

Dịch Covid-19 quét qua TPHCM để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố vẫn đang gồng mình khắc phục.
Dù vậy, trong khó khăn đó lại có thuận lợi đối với công tác vận động nhân dân hiến đất làm đường, mở rộng hẻm. Rõ nhất là thời gian đỉnh dịch, những vùng lây lan dịch nhanh nhất, khó khống chế nhất là những nơi dân cư đông đúc, ở trong các con hẻm nhỏ, sâu. Hệ thống y tế cũng rất khó tiếp cận những khu vực và gia đình có người bệnh. Chính quyền đã phải di chuyển người dân từ hẻm nhỏ đến các khu rộng rãi, an toàn. Người dân thấm thía những thiệt thòi khi sống trong các con hẻm nhỏ, nên nếu có điều kiện, họ sẽ sẵn sàng chung sức để cải thiện đời sống của mình.

Do đó, trong thời gian tới, công tác dân vận sẽ có thêm nhiều điều kiện cần và đủ để vận động người dân tiếp tục tham gia hiến đất làm đường, mở rộng hẻm. Trong đó, người dân vừa là nhân tố thụ hưởng, vừa là nguồn lực của phong trào.

Bàn bạc, tham khảo ý kiến của nhân dân

TPHCM đặt mục tiêu trong thời gian 10-20 năm tới đối với những con hẻm nhỏ còn lại là gì?

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã xác định nhiệm vụ tiếp tục phát triển xây dựng thành phố theo hướng đô thị xanh, văn minh, đẩy mạnh chỉnh trang và phát triển đô thị, đẩy nhanh phát triển hạ tầng xã hội, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Và, mục tiêu của thành phố là chỉnh trang đô thị với đường sá, hạ tầng đạt chuẩn. Trong công tác điều chỉnh quy hoạch chung thành phố có nội dung bố trí những vùng tái định cư chuẩn để người dân yên tâm đến nơi ở mới khi thành phố thực hiện chỉnh trang. Như vậy, mục tiêu xa hơn của thành phố không chỉ chỉnh trang, mở rộng hẻm mà phải hướng đến quy hoạch bền vững hơn, phục vụ được nhu cầu của người dân.

Vậy thì công tác dân vận đã được chuẩn bị những gì để tiếp tục vận động nhân dân thực hiện việc hiến đất làm đường, mở hẻm được hiệu quả, thưa đồng chí?

Việc hiến đất làm đường, mở rộng hẻm phải gắn liền với công tác quản lý về quy hoạch, về giao thông và phát triển hạ tầng, phải bám sát vào nhiệm vụ chính trị của thành phố và mỗi địa phương. Như vậy, công tác dân vận phải nắm vững yêu cầu, nắm chắc nhiệm vụ ở mỗi địa phương để có những giải pháp thực hiện cụ thể. Quan trọng nhất vẫn là “gần dân, sát dân, học dân”, “công khai, minh bạch”, nói được với dân hiệu quả của các công trình.

Cốt lõi là phải làm sao tạo được sự đồng thuận trong nhân dân vì theo lời Bác Hồ, “lực lượng của dân rất to”. Theo đó, mọi hoạt động phải được đưa ra bàn bạc trước dân, tham khảo ý kiến của nhân dân, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể. Đến nay, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở vẫn là kim chỉ nam trong công tác dân vận nói chung, phong trào vận động nhân dân hiến đất làm đường, mở rộng hẻm nói riêng.

Về phía người làm công tác dân vận phải luôn minh bạch, rõ ràng, công bằng với mọi người dân để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cán bộ dân vận không được nói suông mà phải bám sát vào nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị, nói đi đôi với làm.

THU HƯỜNG – THÁI PHƯƠNG

(https://www.sggp.org.vn/tphcm-20-nam-hien-dat-mo-rong-hem-khi-long-dan-da-thuan-809255.html)

Lên đầu trang