Khi Sài Gòn “bị bệnh”, khi đường phố thưa thớt người qua, khi những hàng quán đóng cửa im lìm, đây đó lại xuất hiện những con người âm thầm góp sức với mong muốn Sài Gòn sẽ trở lại nhộn nhịp như xưa.
Họ là những người trẻ, họ cũng là những người không còn trẻ nữa, nhưng tất cả cuồn cuộn một tinh thần: làm được gì trong sức mình là làm hết mức…
“Thời điểm này chúng ta cần san sẻ cùng nhau, xem công tác phòng chống dịch là của mọi người chứ không phải của riêng ai”
Ông TRƯƠNG QUANG PHỤNG
Việc không của riêng ai
Với mong muốn góp một phần công sức của mình hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, vợ chồng ông Trương Quang Phụng (62 tuổi, 444 Trần Văn Giàu, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân) đã âm thầm nấu cả trăm suất cơm mỗi ngày.
Công việc ở nhà ông Phụng tất bật ngay từ sáng sớm, người lo nấu cơm, thức ăn; người cho cơm, thức ăn, canh vào hộp; người bỏ hộp cơm vào bịch. Ông bảo các con, cháu phải thay đổi món hằng ngày, lựa những con cá, miếng thịt, rau, củ tươi nhất, có như vậy mới cung cấp đủ sức khỏe cho anh em đang làm nhiệm vụ ngoài kia.
Đúng 11h30, nhân viên tình nguyện đến nhận cơm, ông Phụng lấy những hộp cơm đưa cho họ để chuyển tới lực lượng tại chốt. Ông Phụng tươi cười với các bạn trẻ “nếu thiếu cứ ra lấy thêm”.
Cảm kích trước tấm chân tình của ông Phụng, anh Phạm Văn Trường, dân phòng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 P.Tân Tạo, chia sẻ: “Hằng ngày nhận được những hộp cơm, anh em chúng tôi thấy rất ấm lòng, thêm động lực tiếp tục nhiệm vụ”.
Bên cạnh đó, ông Phụng còn đặt những suất cơm lên bàn trước nhà mình, người khó khăn đến lấy và hướng dẫn giữ khoảng cách an toàn, sát khuẩn tay.
Ông Trần Văn Lý treo hộp cơm lên baga xe thồ ve chai, xúc động: “Tôi kiếm ve chai gần khu vực này. Đi ngang thấy có phát cơm miễn phí nên ghé vào xếp hàng nhận. Tôi thấy đây là việc làm cao đẹp, giúp người lao động nghèo như chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn”.
Ông chủ trọ tốt bụng
Nhiều người lao động tạm thời nghỉ việc do dịch bệnh; trong khi đó các chi phí như ăn uống, thuê nhà, nuôi con… vẫn chi tiêu mội ngày.
Thấu hiểu điều đó, ông Thiêu Ngọc Lợi, chủ nhà trọ 299/4 An Dương Vương, KP.5, P.An Lạc, Q.Bình Tân, đã quyết định giảm tiền thuê trọ từ 1,2 triệu xuống còn 700.000/tháng. Ông nói với họ: “Trước mắt tôi hỗ trợ mỗi hộ 500.000 đồng tiền thuê.
Nếu tình hình dịch bệnh chưa hết, tôi sẽ hỗ trợ tiếp. Kể cả dịch có kéo dài tôi vẫn hỗ trợ cho đến khi dịch tan biến”. Nhà trọ của ông Lợi có 65 phòng. Các hộ ai nấy đều xúc động và cảm ơn tấm chân tình của ông chủ trọ tốt bụng.
Khi dịch bệnh đang hoành hành, tình người chính là bát nước đầy cho những mảnh đời còn khó khăn.
Đã có hơn 600 bài dự thi
Mời bạn đọc kể những cảm xúc, hình ảnh về câu chuyện nghĩa tình người thật, việc thật; những hành động, nghĩa cử cao đẹp, tấm gương xả thân, cống hiến nơi tuyến đầu COVID-19 ở TP.HCM. Đó có thể là từ chung cư đang giãn cách, từ khu cách ly tập trung hay từ những ngày thực hiện chỉ thị 15, chỉ thị 16… Hãy gửi về email: tuyendaucovid19@tuoitre.com.vn hoặc gửi về báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết “Tình người nơi tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19“.
Bài dự thi từ 700-1.000 chữ, gửi bài từ ngày 2-7 đến hết ngày 30-9-2021. Dự kiến trao giải ngày 15-10-2021. Bài dự thi đạt yêu cầu sẽ đăng trên Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online (có nhuận bút) cùng nhiều giải thưởng hấp dẫn đang chờ bạn. Hãy chia sẻ cảm xúc để tình người lan tỏa.
Tính đến hết ngày 2-8, email tuyendaucovid19@tuoitre.com.vn đã nhận được hơn 600 bài bạn đọc gửi dự thi. Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM và báo Tuổi Trẻ chân thành cảm ơn sự hưởng ứng nhiệt tình của bạn đọc.
LÊ AN (nguồn Báo Tuổi trẻ)