Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với các hội quần chúng

Quang cảnh hội nghị

Sáng 2/11, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XI về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng. Đến dự có Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Dũng; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan; Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TP Nguyễn Thị Bạch Mai.

Vận động hơn 1.200 tỷ đồng chăm lo cho các đối tượng xã hội

Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TP Nguyễn Thị Bạch Mai cho biết, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW và Thông tri số 19- TT/TU đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, các tổ chức đảng, đơn vị được phân công phụ trách các hội có nhiều nỗ lực, đeo bám, theo dõi, nắm tình hình đã phát huy vai trò lãnh đạo về chính trị, tư tưởng, hướng dẫn hoạt động và định hướng giải quyết kịp thời những vướng mắc, thiếu sót, giúp các hội hoạt động phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, đúng mục đích, tôn chỉ theo quy định điều lệ hội.

Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội phối hợp chặt chẽ với các hội quần chúng nhằm thực hiện công tác vận động Nhân dân trong tình hình mới để xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phối hợp thực hiện nhiệm vụ vận động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động.

Ngoài ra, các hội đã có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của TP trên nhiều phương diện, như: tập hợp, phản ánh yêu cầu, nguyện vọng và chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức hội, hội viên; tích cực tuyên truyền, tham gia xây dựng và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy tính dân chủ và huy động các nguồn lực góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giữ vững và ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP, tạo được sự đồng thuận, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kết quả, các hội nhân đạo từ thiện đã tổ chức hơn 510 chương trình, dự án; vận động hơn 1.200 tỷ đồng chăm lo cho các đối tượng xã hội như: người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam…

Theo đồng chí Nguyễn Thị Bạch Mai, trong 10 năm qua, UBND TP đã ban hành quyết định thành lập 1.350 hội, trong đó có 199 hội hoạt động trong phạm vi TP, 173 hội hoạt động phạm vi địa bàn quận, huyện, TP Thủ Đức; 978 hội hoạt động phạm vi địa bàn phường, xã, thị trấn, chủ yếu thuộc lĩnh vực nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học, hữu nghị, khuyến học, từ thiện, nhân đạo… Ngoài ra, trên địa bàn TP có 739 quỹ xã hội, từ thiện; 129 tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp phép hoạt động trên địa bàn TPHCM, trong đó Châu Mỹ có 47 tổ chức, châu Âu có 50 tổ chức, châu Á – Thái Bình Dương có 32 tổ chức…

Đề xuất sớm ban hành Luật về hội

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thị Bạch Mai cho biết, Thành ủy tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với các hội quần chúng; Rà soát, bổ sung các giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tiễn để tiếp tục thực hiện nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò của các hội quần chúng, góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hội quần chúng; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, kiểm soát được tài chính của hội, nhất là nguồn viện trợ từ nước ngoài, nhằm phát huy những tổ chức hội hoạt động tích cực, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hội hoạt động không hiệu quả, không đúng tôn chỉ, mục đích, điều lệ hội và vi phạm pháp luật… Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phối hợp hoạt động giữa MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội với các hội quần chúng; tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội; phát huy vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận đông, đoàn kết rộng rãi nhân dân, góp phần xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Thị Bạch Mai báo cáo tại hội nghị

Ngoài ra, thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hội quần chúng…

Từ thực tiễn kết quả thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, đồng chí Nguyễn Thị Bạch Mai đề xuất Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành Luật về hội; Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức hoạt động và quản lý hội theo tinh thần Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị về hội quần chúng; cần có quy định phân loại hội theo ngành, lĩnh vực để địa phương có cơ sở sắp xếp các hội hoạt động theo ngành, lĩnh vực, hướng dẫn cho các hội xác định trách nhiệm của hội đối với cơ quan quản lý theo ngành, lĩnh vực.

Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực ngành có trách nhiệm đối với việc quản lý hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi để hội hoạt động, phù hợp yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Đối với các hội có tính chất đặc thù cho phép hoạt động theo hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, sử dụng một Điều lệ thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.

Kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung đối tượng áp dụng chế độ thù lao của Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là lãnh đạo chuyên trách Hội các cấp, không phân biệt người nghỉ hưu hay không nghỉ hưu mà nên căn cứ vào thực tế và cán bộ trẻ có năng lực, người yêu thích công việc, có đạo đức, phẩm chất đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội như Hội Khuyến học, Hội Cựu Thanh niên Xung phong, Hội Luật gia, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo…

Long Hồ

Scroll to Top