Toàn cảnh hội nghị
Ngày 5/5, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị khóa X và Chương trình hành động số 31 của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội
Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, đồng chí Nguyễn Thị Bạch Mai, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM nhìn nhận, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW, Thành ủy ban hành Chương trình hành động lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị các cấp tổ chức quán triệt đến cán bộ chủ chốt, đảng viên và cán bộ, hội viên phụ nữ với nhiều hình thức đa dạng và tập trung triển khai nghiêm túc Nghị quyết, chương trình, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên thay đổi nhận thức về giới, về sự tiến bộ của phụ nữ, xác định công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Bạch Mai báo cáo tại hội nghị
Nhìn chung, các cấp ủy, chính quyền các cấp đều quan tâm, chỉ đạo sâu sát lồng ghép các nội dung công tác cán bộ nữ, công tác vì sự tiến bộ phụ nữ vào các chương trình, kế hoạch của địa phương, đơn vị; trong đó xác định công tác cán bộ nữ là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài trong chiến lược cán bộ của thành phố, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; vận dụng sáng tạo, linh hoạt, tạo điều kiện về cơ chế chính sách cho cán bộ nữ, chú trọng đến công tác quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ nữ, tỷ lệ cán bộ nữ được cơ cấu trong cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đa số đạt, vượt chỉ tiêu đề ra…; phân công theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, tổ chức thực hiện, tạo bước chuyển biến về công tác phụ nữ ở từng ngành, địa phương, đơn vị, góp phần thực hiện đạt, vượt chỉ tiêu của Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn TP giai đoạn 2011 – 2020. Quá trình tổ chức thực hiện được quan tâm tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, chỉ đạo chính quyền, các ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội phối hợp, tạo thuận lợi cho hội phụ nữ các cấp nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo tiến độ, hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.
Các cấp hội bám sát nội dung lãnh đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, của cấp ủy và hội cấp trên, giữ vững vai trò nòng cốt trong phong trào, hoạt động của các tầng lớp phụ nữ; bám sát chức năng của hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương; chủ động, linh hoạt phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể để hoàn thành nhiệm vụ được giao; phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới; sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, có nhiều nội dung thiết thực, chăm lo, bảo vệ phụ nữ cơ bản đáp ứng nhu cầu, tình cảm, nguyện vọng của đông đảo phụ nữ thành phố, tập hợp các giới tham gia xây dựng tổ chức hội vững mạnh, đóng góp các nguồn lực chăm lo cho hội viên, phụ nữ khó khăn, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.
Chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đề nghị các cấp ủy chính quyền TP, các cơ quan, đoàn thể tập trung đi sâu, đi sát hơn nữa để lắng nghe, thấu cảm, chia sẻ. Quan trọng là nghiên cứu, tìm giải pháp thật cụ thể để tiếp tục thực hiện công việc bình đẳng giới trên các lĩnh vực lao động, việc làm, tiền lương, thu nhập, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và quan tâm tới trẻ em.
Vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội ngày càng nâng lên
Cũng theo báo cáo, phụ nữ các giới của TPHCM trưởng thành nhiều mặt, có trình độ học vấn, tay nghề, kỹ năng chuyên môn, bước đầu thể hiện được bản lĩnh trong cơ chế thị trường, nhạy bén trong kinh doanh, tích cực học tập nâng cao trình độ và rèn luyện tác phong công nghiệp, khẳng định được vị trí quan trọng của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ được thực hiện đầy đủ hơn; đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của đại bộ phận phụ nữ được cải thiện, nâng cao rõ rệt, nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp xây dựng khu lưu trú cho công nhân, xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo, địa điểm sinh hoạt cộng đồng phục vụ các nhu cầu thiết yếu của công nhân lao động nói chung và lao động nữ nói riêng; quan tâm công tác nữ thanh niên, phát triển các mô hình tập hợp nữ công nhân tại các khu nhà trọ, nữ sinh viên tại các ký túc xá…
Đáng chú ý, đội ngũ cán bộ hội được đào tạo và trưởng thành, trình độ năng lực tiếp tục được nâng lên, năng động, nhạy bén trong tổ chức thực hiện các phong trào, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, hội viên và phụ nữ. Các mục tiêu nhiệm vụ công tác hội đều đạt, vượt chỉ tiêu đề ra, các giải pháp củng cố kiện toàn bộ máy nhân sự tổ chức hội ở địa bàn dân cư đạt hiệu quả. Vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định và nâng lên. Lực lượng nữ công chức, viên chức, nữ trí thức, nữ doanh nghiệp, nữ công nhân, lao động, nữ tiểu thương, nữ nông dân, nữ thanh niên… đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, tự tin, phát huy sức mạnh nội lực, những giá trị truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của TP trong thời gian qua.
Đa số các cấp ủy và hệ thống chính trị các cấp có sự nhận thức đầy đủ hơn về công tác cán bộ nữ, về bình đẳng giới; nghiêm túc triển khai thực hiện và quyết liệt trong chỉ đạo để đạt được những kết quả nhất định; vai trò tham mưu tích cực của các ban xây dựng đảng, sự chủ động đề xuất của hội liên hiệp phụ nữ các cấp, sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền và sự phối hợp đồng bộ của MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội đã thúc đẩy công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới trong 15 năm qua đạt nhiều kết quả tích cực trên địa bàn TP.