Tại TPHCM, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được triển khai đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Với hình thức thực hiện rộng mở, các không gian đã thu hút đông đảo đảng viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân đến tham quan, tìm hiểu, học tập.
Nhiều không gian độc đáo
“Ai cũng có lòng yêu nước, chẳng qua có lúc vì lợi nhỏ mà quên nghĩa lớn”, bé Nguyễn Hạnh Linh (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) đánh vần dòng chữ trên tảng đá lớn trong khuôn viên Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở khu phố 2, phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (ông ngoại bé Linh) cho biết, thấy địa phương xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh nên đón cháu đi học về, hai ông cháu ghé tham quan.
“Con bé đang học lớp 1, tôi hy vọng cháu sẽ cảm nhận dần ý nghĩa của các câu nói và đức tính của Bác Hồ”, ông Hùng chia sẻ. Thi thoảng có hình Bác Hồ, bé Linh lại reo lên: “A, hình Bác Hồ kìa ngoại. Ở lớp, cô giáo của con cũng hay kể chuyện về Bác Hồ có bộ râu dài, rất yêu trẻ em”.
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại công viên khu phố 2 là không gian văn hóa ngoài trời đầu tiên tại TPHCM. Là không gian mở, gần gũi với người dân nên mỗi ngày thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu.
Theo Bí thư Đảng ủy phường Hiệp Phú Nguyễn Chí Thanh, công trình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng tại tiểu đảo công viên thuộc khu phố 2, có diện tích 250m2. Không gian gồm 28 khung triển lãm nội dung, hình ảnh liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh; tư tưởng Hồ Chí Minh đối với các giới, các ngành và các lĩnh vực; đồng thời, lồng ghép các nội dung thông tin về lịch sử đảng bộ, quy hoạch của địa phương và định hướng 7 khu quy hoạch trọng điểm sáng tạo của TP Thủ Đức…
Tại TP Thủ Đức, nhiều không gian văn hóa được bài trí đa dạng, không gò bó hay khuôn mẫu. Như trong khuôn viên trụ sở Thành ủy TP Thủ Đức (43 Nguyễn Văn Bá, phường Bình Thọ), Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được thực hiện trên 9 khối đá mỹ thuật được lắp đặt tại nhiều vị trí, mỗi khối đá có khắc câu nói, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chọn lọc phù hợp với điều kiện, đặc điểm sinh hoạt, làm việc của từng cơ quan thuộc Thành ủy TP Thủ Đức.
Kho tàng tư liệu phong phú
Hơn 1 năm qua, bảo tàng trực tuyến về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp người dân phường 7, quận Bình Thạnh hiểu hơn về Bác Hồ kính yêu.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, 65 tuổi, ngụ phường 7, chia sẻ, trên nhóm zalo khu phố có mã QR để vào bảo tàng trực tuyến tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các tác phẩm, ca khúc về Bác Hồ nên những lúc rảnh rỗi, bà thường mở điện thoại vào xem.
“Xem rồi nhớ, để khi có việc liên quan mình lại nhớ lời Bác để vận dụng. Dần dần, trong mọi sinh hoạt hàng ngày tôi cũng áp dụng cách làm của Bác để việc được tốt hơn”, bà Mỹ Linh bày tỏ.
Theo Bí thư Đảng ủy phường 7 (quận Bình Thạnh) Trần Thị Thu Trang, bảo tàng trực tuyến về cuộc đời sự nghiệp của Bác Hồ đã đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến mọi tầng lớp nhân dân. Chỉ cần quét mã QR, người dân có thể vào tham quan 6 phòng với 160 hình ảnh, tác phẩm văn học nghệ thuật về Bác.
Ngoài ra, nội dung trên bảo tàng đã được chọn lọc, sắp xếp theo tiến trình thời gian gắn với các mốc sự kiện lịch sử cùng với hình ảnh minh họa cụ thể đã giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân dễ dàng tìm hiểu các thông tin chính thống về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ.
Từ tháng 5-2022 đến nay, bảo tàng trực tuyến đã thu hút hơn 7.500 lượt người truy cập. Bà Trang đánh giá, bảo tàng trực tuyến cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, góp phần lan tỏa những cách làm hay, sáng tạo trên các lĩnh vực, nhân lên giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp. Hiện công trình bảo tàng đang tham gia Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần thứ 3.
Trong khi đó, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) cũng được bố trí trưng bày như một bảo tàng thu nhỏ. Tất cả tư liệu, hiện vật được cán bộ, giáo viên, học sinh của trường đóng góp và vận động đóng góp. Nhà trường cũng bố trí các thiết bị dạy học ngay Không gian văn hóa Hồ Chí Minh để thầy và trò có thể tham gia như một tiết học bình thường.
Tại Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh do Đoàn Trường ĐH Sư phạm TPHCM xây dựng thời gian qua đã thu hút rất nhiều sinh viên tham gia. Nhất là những bản rap với phần lời là các tác phẩm về tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, do sinh viên sáng tác và thu âm đã tạo được sự lan tỏa. Ngoài ra, chủ đề về tư tưởng, đạo đức của Bác cũng là cảm hứng để sinh viên nhà trường sáng tác và biểu diễn nhiều thể loại khác như cải lương, vọng cổ.
THU HƯỜNG – THÁI PHƯƠNG