Người cán bộ cơ sở trên tuyến đầu chống dịch Covid-19

Anh Trương Tuấn Hiệp (mặc đồ bảo hộ xanh) thăm hỏi, trao quà cho người dân tại khu vực cách ly

Từ lúc dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, TPHCM một lần nữa bước vào cuộc chạy đua sinh tử với dịch bệnh khi số ca nhiễm tăng lên hàng ngày. Và những câu chuyện “cổ tích đời thường” cũng diễn ra ngày càng nhiều. Nhiều người, trong đó có những người cán bộ cơ sở, đã đương đầu, chấp nhận hy sinh để bảo vệ sự bình an cho Nhân dân, sẵn sàng tương thân tương ái, chia ngọt sẻ bùi, giãn cách nhưng không xa cách…

Trong những người cán bộ cơ sở đó có anh Trương Tuấn Hiệp, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Phường 4, Quận 3, phải rời xa gia đình nhỏ, lựa chọn dấn thân chống lại dịch bệnh…

Khi Phường 4 – nơi anh Trương Tuấn Hiệp công tác bùng dịch với số ca nhiễm tăng nhanh đến bất ngờ. Ngay trong đêm, chưa kịp nhìn đứa con gái nhỏ chưa đầy hai tuổi, anh lập tức quyết định thu dọn quần áo lên cơ quan, trực tiếp chung tay cùng mọi người chống dịch.

Tại phường, anh thuê một phòng trọ nhỏ để có thể toàn tâm chống dịch, vừa tránh nguy cơ lây nhiễm cho gia đình nhỏ của mình. Mỗi ngày anh cùng đồng nghiệp bôn ba lo từng suất cơm cho người dân trong khu phong tỏa; chăm lo các chính sách tại địa phương cho người dân khó khăn; vận động, trực tiếp khuân vác, chuyên chở thực phẩm đến nơi cách ly… không nề hà bất cứ việc gì.

Khi được hỏi, anh chỉ nhẹ nhàng nói: “Khi dịch bệnh giảm, khi mọi người được an toàn, lúc đó tôi mới có thể về với gia đình”.

Công việc hàng ngày của anh bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng nhưng kết thúc lúc nào thì không biết được. Khi nhớ gia đình, anh về nhà, lặng lẽ đứng nhìn lên lầu mà hình dung vợ con đang làm gì. Mỗi ngày anh đều gửi về cho con gái nhỏ một vài món đồ chơi rồi lặng lẽ chạy về cơ quan tiếp tục tham gia công việc phòng chống dịch.

Câu chuyện, hình ảnh về anh Trương Tuấn Hiệp không hiếm để tìm thấy ở tất cả địa phương trong mùa dịch Covid-19 này. Mỗi người tham gia tuyến đầu chống dịch đều có những hy sinh, mất mát riêng, nỗi niềm không thể tỏ bày cùng ai, hoàn cảnh có khi còn khó khăn, nghiệt ngã hơn. Nhưng điều khác biệt ở anh Trương Tuấn Hiệp, là anh mang trong người bệnh mạn tính từ nhỏ, là cán bộ trẻ vừa đi cơ sở, tiếp nhận vị trí mới trong điều kiện mỗi ngày lại thiếu vắng thêm vài đồng đội (người bị kẹt trong khu cách ly, người bị nhiễm bệnh). Nếu không cẩn thận, anh có thể đánh đổi bằng chính sinh mạng của mình. Nhưng anh vẫn “phớt lờ” nó để đi theo sự lựa chọn của mình – “dấn thân”.

Nhìn anh, để thấy rằng, dẫu Thành phố trong những ngày chống dịch vẫn còn nghe những lời than vãn về sự thiếu thốn kinh tế, không tự do đi dạo, tụ tập…. Nhưng thử một lần đặt mình vào vị trí những cán bộ cơ sở, ngày đêm lăn lộn chăm lo, hỗ trợ cuộc sống người dân trong khu vực cách ly; hay là vị trí nhân viên y tế, giữa tiết trời nóng bức mà phải mặc bộ đồ chống khuẩn bít bùng, vật lộn với dịch bệnh nghiệt ngã để giành về từng mạng sống con người để thấy rằng bản thân may mắn biết bao, người chung quanh còn hạnh phúc biết bao khi mỗi sáng ra, nhà chưa bị chăng dây phong tỏa, Covid chưa đến “thăm” ta…. Trong niềm may mắn đó, có công sức lặng thầm, có bao hy sinh lặng lẽ của những cán bộ cơ sở tận tụy, như anh Trương Tuấn Hiệp. 

Thanh Ý

Lên đầu trang