Đi tìm sự đồng thuận của người dân trong công tác Dân vận

Đi tìm sự đồng thuận của người dân trong công tác dân vận
Đi tìm sự đồng thuận của người dân trong công tác dân vận  ảnh 1
Đi tìm sự đồng thuận của người dân trong công tác dân vận  ảnh 2

– Phóng viên: Thưa đồng chí, đồng chí đã trực tiếp tới thăm các hộ dân vừa chuyển đến nơi ở mới. Cảm nhận của đồng chí về cuộc sống mới của người dân ra sao?

– Đồng chí NGUYỄN HỮU HIỆP: Khi gặp người dân, tôi rất vui khi người dân sinh sống trong những căn hộ, căn phòng ở Chung cư 1050 Chu Văn An và Nhà nghỉ Công đoàn Thanh Đa (quận Bình Thạnh), đã có cuộc sống mới tươm tất hơn. Nơi ở rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát, có bếp nấu ăn, có khuôn viên thư thái. Người dân có 22 ngày sinh sống trong đó và không phải lo trả tiền nhà, tiền phòng, tiền điện, tiền nước. Hai ngày đầu tiên, người dân được tặng cơm nước đầy đủ. Từ ngày thứ ba, các hộ dân tự nấu nướng bằng các vật dụng mang theo. Xe bán hàng lưu động được tổ chức ngay tại chung cư, nhà nghỉ để phục vụ nhu cầu đi chợ của dân…

Trong giây phút gặp gỡ, có người dân nói lời rất cảm ơn các ban ngành và địa phương đã đưa họ đến nơi mới khang trang và tiện nghi đầy đủ, có người dân không kịp nói nhưng tôi thấy điều đó – lời cảm ơn – từ ánh mắt xúc động của họ! Mình nhìn thấy điều đó bằng ánh mắt chứ không phải lời nói. Và tôi biết quận Bình Thạnh đã nỗ lực rất nhiều!

– Việc vận động người dân trong các khu nhà trọ lụp xụp ở quận Bình Thạnh tạm chuyển chỗ ở đã được tính toán, đặt ra như thế nào, thưa đồng chí?

– Thực ra, từ ban đầu, TPHCM chưa có chủ trương vận động người dân tạm chuyển chỗ ở. Tinh thần của thành phố là ai ở đâu ở yên đó, và hệ thống chính trị cũng vào cuộc theo tinh thần đó. Tuy nhiên, qua thực tế công tác phòng chống dịch Covid-19 và phân tích các chùm ca bệnh được phát hiện thì thấy, không ít số ca F0 phát sinh từ các nhà trọ chật chội, nhà trong các hẻm nhỏ (dưới 2m), hẻm sâu, nhà trên và ven kênh rạch… Những nơi này một khi đã có F0 thì không phát sinh đơn lẻ, mà thường xuất hiện cả chùm, cả chuỗi. Điều đó cho thấy, điều kiện sống cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc chúng ta chưa giảm được F0 trong cộng đồng.

Đi tìm sự đồng thuận của người dân trong công tác dân vận  ảnh 3

Đối với quận Bình Thạnh, đây là địa bàn không phải đông nhất, nhưng cũng khá đông dân cư, với trên 490.000 dân. Trong 20 phường thì có tới 16 phường có các khu nhà trọ lụp xụp, hẻm sâu nhiều xuyệt, nhà trên và ven kênh rạch. Quận rà soát và nắm được là có 343 chủ nhà trọ với khoảng 1.090 phòng trọ, gần 4.000 người sinh sống bên trong có tính chất như vậy. Quận Bình Thạnh đề nghị về việc vận động đưa người dân đang sinh sống trong các khu nhà lụp xụp đó vào tạm thời sinh sống trong khu chung cư và nhà nghỉ. Tôi thấy đó là sáng kiến rất hay của quận và hoàn toàn ủng hộ. Tinh thần là khi tìm được nguyên nhân, phải có giải pháp xử lý ngay.

Đi tìm sự đồng thuận của người dân trong công tác dân vận  ảnh 4

Quận Bình Thạnh khẳng định có điều kiện để thực hiện việc vận động người dân tạm đổi chỗ ở, điều kiện đó là có nơi mới khang trang để đưa dân đến. Trên cơ sở phương án và quyết tâm của quận, Ban Dân vận Trung ương đồng thuận, chỉ đạo Ban Dân vận Thành ủy TPHCM và tôi có trao đổi xin ý kiến đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên. Đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM đã thống nhất rất cao và mọi việc chúng tôi cứ thế chủ động lặng lẽ làm. Một biện pháp chống dịch mới – là đưa người dân không bị mắc Covid-19 tại các vùng có nguy cơ cao, đến những nơi ở mới tốt hơn, điều kiện sinh sống thoáng mát rộng rãi hơn để đảm bảo giãn cách. 

Đi tìm sự đồng thuận của người dân trong công tác dân vận  ảnh 5

– Như vậy, toàn bộ gần 4.000 người sinh sống trong các khu nhà trọ lụp xụp chật chội sẽ được chuyển đến chung cư, nhà nghỉ?

– Không phải tất cả 4.000 người! Chương trình sẽ thực hiện đối với 50% – tức là 2.000 người, nhằm giảm mật độ dân cư, đảm bảo giãn cách để phòng chống dịch Covid-19, hạn chế phát sinh F0.

Đi tìm sự đồng thuận của người dân trong công tác dân vận  ảnh 6
Đi tìm sự đồng thuận của người dân trong công tác dân vận  ảnh 7

– Thưa đồng chí, việc di chuyển người từ vùng có nguy cơ  – những khu nhà trọ chật chội lụp xụp, tới nơi ở mới liệu có dẫn tới… lây lan dịch bệnh?

Khi lên phương án, chúng tôi không loại trừ khả năng này. Vì thế, việc vận động đưa người dân sang nơi ở mới được thực hiện hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, chặt chẽ. Quận Bình Thạnh đã làm rất tốt việc này và có điều kiện để làm việc này mà không phải nơi nào cũng có thể làm được như thế. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, toàn bộ người dân đều được xét nghiệm và kết quả âm tính thì mới chuyển tới nơi ở mới. Quá trình di chuyển, sinh sống tại nơi ở mới, người dân đảm bảo giãn cách, tuân thủ 5K và địa phương có thành lập tổ an ninh trật tự từ lực lượng công an, quân đội để vận động, nhắc nhở người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Tiếp đó, người dân sẽ được tiêm vaccine. Đội hình tiêm vaccine lưu động sẽ tới tận chung cư, nhà nghỉ tiêm cho người dân. 

Đi tìm sự đồng thuận của người dân trong công tác dân vận  ảnh 8

– Để vận động 2.000 người dân chuyển đến nơi ở mới và nhận được sự đồng thuận của dân không phải dễ. Là Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, đồng chí có thể chia sẻ bí quyết dân vận trong đợt này?

– Ban đầu, người dân chưa đồng thuận ngay đâu! Trong 2 tiếng đầu tiên, có khoảng 30% người dân (hơn 400 người) đồng ý tạm chuyển chỗ ở. Sau khi đến nơi ở mới, người dân trực tiếp thấy nơi mới tốt hơn nơi cũ, rộng rãi, thoáng mát, nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh đầy đủ, nhà cửa và điện nước đều miễn phí. Thêm vào đó, mỗi hộ được tặng 1 túi an sinh với lương thực thực phẩm, mỗi người được tặng 500.000 đồng, trẻ em có thêm sữa uống… “Tận mục sở thị”, thế là người dân truyền tin nhau “tốt lắm, đi đi” và rồi cùng đi. Ngay ngày đầu tiên triển khai (ngày 26-8), có hơn 800 người dọn đến nơi ở mới một cách hào hứng, phấn khởi. Đến tối cùng ngày, cuộc sống tại nơi ở mới đã cơ bản ổn định.

Đi tìm sự đồng thuận của người dân trong công tác dân vận  ảnh 9

“Bí quyết” ở đây là sự kỹ lưỡng, chu đáo vì dân. Chuẩn bị nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ chứ không có chuyện nơi ở mới lại nhếch nhác, chật chội hơn nơi cũ. Không phải quận, huyện nào cũng dễ làm dù đặc điểm như thế, điều kiện như thế, nhưng đội ngũ ở cơ sở nếu không toàn tâm toàn ý thì chưa chắc làm được. Tôi đánh giá cao đội ngũ ở quận Bình Thạnh đã đi tuyên truyền thuyết phục người dân trong đêm, “nói nhỏ” với dân trong đêm và sáng hôm sau, mọi người chuyển đi trong trật tự. Việc chuyển nhà không trở thành làn sóng làm cho mọi chuyện xáo trộn. Mà đơn giản là đi sang nơi ở mới rộng hơn, tốt hơn, thoáng hơn nơi ở cũ, đảm bảo giãn cách để phòng dịch.

Muốn làm được điều đó, không phải cứ có kế hoạch đồ sộ là được. Chính đội ngũ dân vận từ cơ sở với những cô bác làm công tác ở khu phố, tổ dân phố, cán bộ đoàn hội đã “nói nhỏ” – nói một cách cầu thị và trọng dân – vận động nhịp nhàng để người dân chuyển nhà “rất êm”. Đưa cả ngàn người mà không xáo trộn, gây mất trật tự gì về xã hội là nhờ lòng dân đồng thuận.

Đi tìm sự đồng thuận của người dân trong công tác dân vận  ảnh 10
Đi tìm sự đồng thuận của người dân trong công tác dân vận  ảnh 11
Đi tìm sự đồng thuận của người dân trong công tác dân vận  ảnh 12

– Người dân ở đâu quen cũng như cây cối sinh trưởng vốn quen nắng gió ở đó, giờ mình “bứng cây” đi, thì cũng cần xem thổ nhưỡng nơi mới thế nào?

– Đúng vậy! Người dân đã quen trong tầm mắt đó, tầm tay đó bao nhiêu bước thì quơ tay tới chỗ này chỗ kia, bước chân tới chỗ này chỗ kia. Mọi thứ quen thuộc trong tầm mắt. Còn mạng lưới xã hội, còn người quen, lối xóm tối lửa tắt đèn có nhau nữa. Nên việc thuyết phục, vận động người dân tạm chuyển chỗ ở không phải là đơn giản.

– Theo đồng chí, điều gì quan trọng nhất để vận động người dân tạm chuyển chỗ ở? Nơi ở mới quyết định, hay sự vận động để người dân đồng thuận của quyết định?

– Chắc chắn đó phải là sự đồng bộ, thống nhất ở mọi khâu để người dân quyết định! Mà muốn người dân đồng thuận thì nơi ở mới phải tốt hơn nơi cũ. Quá trình tổ chức phải không luộm thuộm, không ăn gian. Chẳng hạn, mình nói tặng dân 5kg gạo mà mình đưa 4,5 kg thì sao được! Và cần làm tốt dân vận, thông tin đầy đủ, minh bạch đến người dân để họ chuẩn bị về mặt nhận thức từ sớm, từ đó đưa ra quyết định phù hợp.

– Và mọi thứ đã thực sự nhịp nhàng, trơn tru rồi, thưa đồng chí?

– Tôi cho rằng mọi thứ đã diễn ra rất tốt, đúng như mục đích, kế hoạch đề ra. Quận Bình Thạnh thực hiện khá trơn tru, nhịp nhàng. Còn các nơi khác chưa làm nên chưa biết được, tôi hy vọng từ “hình mẫu” của quận Bình Thạnh, mô hình này sẽ được triển khai hiệu quả tới các địa phương có điều kiện tương tự. 

Đi tìm sự đồng thuận của người dân trong công tác dân vận  ảnh 13

– Một số nơi có đông dân, nhiều người lao động sinh sống như quận Bình Tân, huyện Bình Chánh. Nếu muốn làm như quận Bình Thạnh thì các quận, huyện cần chú trọng điều gì?

– Nếu các quận, huyện muốn làm thì phải bàn với dân! Mà bàn với dân là bàn với ai? Bàn với chủ nhà trọ – người đang cho người dân ở trọ. Chúng ta cần có sự đồng hành của họ. Chủ nhà trọ cùng với địa phương vận động người ở trọ. Nếu chủ nhà trọ đồng ý, và nói giùm với người ở trọ, một sinh viên chẳng hạn: “Con ơi! nhà trọ 100 người, giờ giãn cách, giảm 50 người cho an toàn. Nếu con đi thì đăng ký để cô chú lập danh sách”, thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.  

Thứ hai, các địa phương phải chọn địa điểm phù hợp và đủ điều kiện để quản lý được, đảm bảo giãn cách. Về địa điểm, hiện nay không phải quận, huyện nào cũng có điều kiện tốt giống như quận Bình Thạnh. Khách sạn thì nhiều nhưng quy mô nhỏ, hoặc có thu phí thì nhà nước và dân đâu có tiền mà trả. Nên nếu muốn giảm bớt mật độ dân cư, phải kiếm công sở như trường học, nhà thi đấu… Vấn đề là phải tổ chức được, phải tính được các điều kiện để người dân có thể sinh sống được khoảng 3 tuần tại đó. Từ ăn uống ra sao, vệ sinh tắm giặt, mạng thông tin, mạng wifi, điện nước ổn định không? Ngay từ bọc rác vứt như thế nào, cũng phải tính được. Tất cả phải kỹ lưỡng, chi tiết để phục vụ người dân chu đáo.

Đi tìm sự đồng thuận của người dân trong công tác dân vận  ảnh 14

Tôi xin nhắc lại, với biện pháp này, nếu quận huyện nào làm thì phải chuẩn bị nơi ở mới cho dân tốt hơn nơi ở cũ. Còn không tốt hơn thì kiên quyết không thực hiện. Quá trình làm phải thực sự từ cái tâm tốt cho dân, vì sự an toàn của dân, chứ không phải vì thành tích. Tránh việc làm được vài trăm người lại báo cáo vài ngàn người. Và càng tránh việc trở thành một xu hướng “di dân, giãn dân” cả các quận, huyện tại TPHCM thì như thế là không đúng, sẽ thêm phức tạp và ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Tinh thần của TPHCM là ai ở dâu, ở yên đó theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Từng quận, huyện thấy giải pháp nào mà mình làm chắc thì mới làm. Thận trọng, kỹ lưỡng. Bởi có thể có nhiều cái tốt nhưng chưa chắc cái tốt đó đã có lợi cho dân. Nên muốn làm, phải chặt chẽ.

Thậm chí, tôi có mơ ước rằng những nơi như thế – nơi người dân tạm chuyển đến ở – người dân có thể dậy tập thể dục từ 5 giờ sáng nếu muốn. Vì đó là vùng xanh – vùng an toàn, người dân đảm bảo khoảng cách với người xung quanh và có thể bước ra khuôn viên hít thở không khí, tập thể thao để tăng sức bền chống Covid-19. Tôi e các nơi chưa làm nổi, chứ làm được thì quá tốt!

– Việc vận động chủ nhà trọ là rất quan trọng. Trong lúc người dân tạm sang nơi ở mới, phòng trọ hiện nay giữ gìn thế nào, bảo quản đồ đạc ra sao? Có thể nói là phải “liên hoàn dân vận” để người dân thực sự an tâm, thưa đồng chí?

– Ban Dân vận và địa phương có phối hợp vận động chủ nhà trọ đảm bảo giữ gìn phòng trọ, đồ đạc đầy đủ cho người dân để người dân an tâm tạm chuyển sang nơi ở mới. Địa phương còn vận động chủ nhà trọ miễn giảm tiền phòng trọ, một số nhà trọ còn cho không cả tiền điện nước. Có chủ nhà trọ còn nấu cơm tặng cho người ở trọ trong lúc giãn cách xã hội. Người dân TPHCM nghĩa tình là thế! Chỉ có một số ít, rất ít, tranh thủ “đục nước béo cò”, số đó không đáng để kể.

Đi tìm sự đồng thuận của người dân trong công tác dân vận  ảnh 15

– Trong thời điểm mà lòng dân hoang mang về dịch bệnh, về thiếu đói, về nợ nần, ngành dân vận đã làm gì để gần dân, hiểu dân và tham mưu giải pháp cho chính quyền TPHCM?

– Hiện nay, dân vận trong lúc dịch Covid-19 rất là nhiều việc. Với người dân, mình không phân biệt giàu, nghèo, người có điều kiện, người không có điều kiện, ở nhà riêng, hay thuê trọ, văn hóa, nhận thức khác nhau. Tôi khẳng định là không phân biệt, đã là dân thì đều được chăm lo cho hết. Tất nhiên, đại dịch ngấm sâu và tác động diện rộng, để chăm lo cho hết hàng triệu người như thế thì việc sơ sót chỗ này, chỗ kia là không thể tránh khỏi. Để hạn chế xảy ra việc đó, khi Thành ủy có Chỉ thị 12, Ban Dân vận có ngay kế hoạch để kiểm tra công tác đảm bảo an sinh xã hội, hoạt động của Tổ Covid-19 cộng đồng.

Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến chưa có tiền lệ. Tôi không quá quan tâm dấu ấn của dân vận là lớn hay nhỏ, điều thực sự chúng tôi quan tâm là cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền trong chăm lo cho người dân thì với vai trò của ngành dân vận, chúng tôi cố gắng làm theo phương thức Bác Hồ dạy là lấy sức dân lo cho dân, lấy người khá lo cho người khó. Ngay trong chiến đấu, Bác Hồ cũng từng dạy là thương binh nhẹ chăm sóc thương binh nặng. Bây giờ, trong cuộc chiến với Covid-19, những F0 đã đã hoàn thành điều trị, có thể quay lại chăm sóc F0, F0 đồng hành F0. Công tác dân vận trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện nay càng cần tác động, khơi dậy những điều tốt đẹp sâu thẳm trong mỗi con người. Mọi người giúp nhau xuất phát từ cái tâm, sự hỗ trợ giúp đỡ vô điều kiện và không cần đáp đền. Chứ không phải lấy chế độ chính sách ra để dẫn dụ, hẳn nhiên là dù người tình nguyện không đòi hỏi thì trách nhiệm của chúng ta vẫn phải trả chế độ chính sách hợp lý

Trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19 như hiện nay, Ban Dân vận nỗ lực góp phần phải khơi dậy được phong trào bảo vệ vùng xanh, vì chỉ có nhân dân mới có thể thảo luận, đồng thuận và cùng nhau bảo vệ, giữ gìn và lan tỏa vùng xanh nơi mình sinh sống. Ý thức người dân là phòng tuyến quan trọng nhất và chiến thắng trong cuộc chiến với Covid-19 là chiến thắng thuộc về nhân dân. Cùng với đó, Ban Dân vận đã và đang tham gia vận động chủ nhà trọ miễn giảm giá phòng trọ cho người dân; vận động doanh nghiệp, mạnh thường quân đóng góp kinh phí, tài lực, cơ sở vật chất làm bệnh viện dã chiến, nơi thu dung, cách ly, điều trị F0…

Đi tìm sự đồng thuận của người dân trong công tác dân vận  ảnh 16

– Một trong những điều đồng chí tâm đắc nhất trong công tác dân vận giữa đại dịch?

– Điều mà dân vận đã làm được trong thời điểm đại dịch là vận động được các chức sắc tôn giáo đồng hành cùng chính quyền phòng chống dịch Covid-19. Chính có sự đồng hành đó giúp cho việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch có sự lan tỏa, thấm sâu trong dân. Trong các buổi giảng lễ, giảng kinh, các vị chức sắc tôn giáo có nói đến mức độ nguy hiểm của đại dịch và vận động đồng bào tuân thủ nghiêm giãn cách, thực hiện 5K.

Đặc biệt, các chức sắc tôn giáo đã cử lực lượng tình nguyện viên tham gia tuyến đầu chống dịch nhằm giảm tải cho lực lượng y tế. Tình nguyện viên tôn giáo đã xông pha vào tuyến đầu chống dịch, hiến tặng tâm từ bi bác ái, chia sẻ tình yêu thương đồng bào, ban tặng sự bình an đối với cộng đồng. Tôi thấm thía và xúc động trước hình ảnh lực lượng tình nguyện viên của các tôn giáo sẵn sàng giúp chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 nặng bớt đi sự đau đớn. Sự dấn thân và tinh thần cống hiến đó rất đẹp và là điều mà cộng đồng đang cần. 

Đi tìm sự đồng thuận của người dân trong công tác dân vận  ảnh 17

– Dân vận là phải gần dân. TPHCM đang thực hiện giãn cách, vậy dân vận gần dân bằng cách nào? Liệu có khoảng cách giữa người làm công tác dân vận với dân?

– Trong công tác phòng chống dịch, giãn cách xã hội là nhiệm vụ hàng đầu. Nhưng lúc giãn cách, dân vận khó tiếp cận trực tiếp để nói cho dân nghe, vì thế cán bộ dân vận phải ứng dụng công nghệ thông tin, biết sử dụng công nghệ trong vận động quần chúng. Đó là điểm mới. Cán bộ dân vận vận động mọi người dân chấp hành 5K, thực hiện tiêm vaccine. Chúng tôi gọi là “5K cộng V”. Ban Dân vận cũng phát động mọi người thực hiện “3 Biết, 4 Có, 4K”.

Trong đó, “3 Biết” là biết, nhận thức đúng về mức độ nguy hiểm và biết sợ dịch bệnh này; thứ hai là biết công nghệ – sử dụng smart phone khai báo Bluezone, khai báo y tế, quét mã QR code; thứ ba là biết một số biện pháp chăm sóc y tế, chăm sóc bản thân, kiểm soát thân nhiệt.

Còn “4 Có” là có dụng cụ trang thiết bị y tế như khẩu trang, đồ đo cặp nhiệt trong mỗi một gia đình; có smart phone để liên hệ, cập nhật thông tin; có những tài liệu hướng dẫn của ngành y tế; và quan trọng nhất là có người giúp đỡ. Sự giúp đỡ ngay từ trong gia đình, trong hội, đoàn, trong cộng đồng. Nhắc nhau thực hiện 5K, nhắc nhau đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách… chính là giúp đỡ. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng giúp đỡ người già neo đơn, trẻ em, khiếm thị, khuyết tật…, những người không có điều kiện thuận lợi tiếp cận thông tin, tiếp cận các biện pháp phòng chống dịch, thì phải có người giúp đỡ. Việc này đã được triển khai từ hơn 4 tháng qua. Tuy nhiên, TPHCM có dân số rất đông, trình độ văn hóa, dân trí khác nhau nên công tác tuyên truyền, vận động đến tận người dân cũng gặp khó khăn nhất định.

Đi tìm sự đồng thuận của người dân trong công tác dân vận  ảnh 18

– Đồng chí nói yếu tố quan trọng trong dân vận là người khá lo cho người khó, nhưng hiện đang giãn cách xã hội, việc thiện nguyện của các cá nhân, tổ chức độc lập bị giới hạn hoàn toàn, không được cấp giấy đi đường. Liệu có mâu thuẫn không, và nên có giải pháp nhanh cho việc này thế nào?

– Thời gian qua, Ban Dân vận chỉ đạo ở cơ sở phải củng cố chi đoàn, chi bộ từng khu phố ấp. TPHCM có hơn 2.008 khu phố, ấp với hơn 13.000 tổ dân phố, tổ nhân dân… Nếu làm tốt, chúng ta có đội ngũ ở cơ sở rất quan trọng, bám sát với dân. Đội ngũ này thực sự là mạch máu để đi đến từng tế bào của Đảng ta. Vì thế, phải biết tác động, nuôi dưỡng, tạo điều kiện vận động để lực lượng này phát huy năng lực, phẩm chất.   

Trên thực tế, trong 120 ngày trong đợt dịch thứ tư bùng phát, lực lượng này đã làm rất tốt. Họ làm được 3 việc: nắm kỹ hộ dân, nắm sát các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn; nắm chắc tình hình F0; và nắm sát được các chủ nhà trọ. Chỉ có những người đó mới giúp cho hệ thống chính trị, chính quyền địa phương ở xã phường, thị trấn nắm được hộ dân, chủ nhà trọ, F0 và nắm được các hoàn cảnh khó khăn diễn biến hàng ngày để tác động liền đến cơ quan, bộ phận có thẩm quyền chăm lo kịp thời cho nhân dân. Nơi làm không được việc này, tức là nơi đó bỏ lỏng chăm lo cho những người làm công tác khu phố, dân phố. Nơi nào làm tốt thì hãy yên tâm là mọi chủ trương, chính sách đều được tới với dân, bởi không ai gần dân bằng họ nhất. Và người thụ hưởng cuối cùng là người dân, quyền lợi của người dân được đảm bảo.

Nếu cán bộ ở từng khu phố, ấp tích cực gần dân, sâu sát với dân thì địa bàn tốt. Nếu cán bộ mà không tích cực thì địa bàn nảy sinh nhiều vấn đề. Nên chỉ đạo của Ban Dân vận Thành ủy TPHCM là hướng về cơ sở, hướng về dân. Phương thức làm cũng không bằng mệnh lệnh hành chính mà bằng sự tuyên truyền, vận động thuyết phục của dân vận. Một điều khá thú vị trong công tác dân vận là chúng tôi học theo Bác, những người phụ trách dân vận cần phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Việc các tổ chức thiện nguyện, theo tôi biết vẫn được cấp giấy đi đường. Chỉ có các cá nhân, tổ chức không có đăng ký mới bị hạn chế, cũng nhằm đảm bảo an toàn cho chính người đi làm thiện nguyện và người dân nhận hỗ trợ chứ không phải ngăn cản, cấm đoán. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nghĩa cử đó là rất quan trọng, không chỉ giúp về vật chất cụ thể cho các hoàn cảnh khó khăn, mà còn có ý nghĩa chia sẻ, động viên nhau vượt qua khó khăn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái nên chúng tôi sẽ có kiến nghị để từng bước tháo gỡ nhanh các vướng mắc, cản trở không đáng có này.

Thực chất, không có giải pháp nào tuyệt đối an toàn cho tất cả. Bởi vậy, chỉ cần hướng dẫn các cá nhân, tổ chức từ thiện tự nguyện đăng ký trên hệ thống, ưu tiên chích vaccine và hướng dẫn họ đảm bảo an toàn trong hoạt động là phù hợp. Chúng tôi sẽ sớm có kiến nghị giải pháp cho vấn đề này với lãnh đạo TPHCM.

Đi tìm sự đồng thuận của người dân trong công tác dân vận  ảnh 19

– Dân vận là thuyết phục, vậy còn công tác thực hiện sẽ được giám sát thế nào, thưa đồng chí?

– Một yếu tố quan vô cùng quan trọng, đó là mối quan hệ giữa nói và làm. Ngành dân vận tiếp xúc, tìm hiểu và thuyết phục người dân thực hiện theo chủ trương, chính sách, đảm bảo các điều kiện như chủ trương, chính sách đưa ra với dân. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện có đúng, có đủ, có triệt để tới từng cá nhân, hộ gia đình hay không lại lệ thuộc rất nhiều vào cấp uỷ, chính quyền cơ sở. Nếu hành động của từng cơ sở không đúng đắn, đầy đủ, hết lòng vì dân thì công tác dân vận sẽ vô nghĩa và ngược lại, nếu cơ sở làm tốt, công tác dân vận sẽ luôn phát triển tích cực và dễ dàng được dân tin yêu, lắng nghe, làm theo.

Do đó, người làm dân vận chúng tôi không chỉ vận động, thuyết phục, mà còn giữ trách nhiệm giám sát, lắng nghe và phản hồi, đề nghị, kiến nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền về việc thực hiện chế độ, chích sách trong thực tế. Chúng tôi luôn bám sát thực tế, lắng nghe người dân và sẵn sàng đồng hành cùng người dân trong suốt hành trình, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng này.

– Trân trọng cảm ơn đồng chí!

ĐƯỜNG LOAN – Ảnh: DŨNG PHƯƠNG – Trình bày: HỮU VI

Lên đầu trang