Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bình Tân cùng các tổ chức chính trị – xã hội quận đã công bố số điện thoại nóng để người dân gọi khi cần trợ giúp về nhu yếu phẩm.
Để giúp người dân ở các khu phong tỏa, cách ly y tế tại TP.HCM vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, thời gian qua, nhiều nơi đã có những cách làm hay, ý nghĩa. Nhằm góp phần lan tỏa những giá trị ấy, Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu với bạn đọc những mô hình hay mà chúng tôi đã ghi nhận được ở một số địa bàn tại TP.HCM.
Khi dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, chính quyền các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã nỗ lực, không để người dân phải thiếu lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Tại quận Bình Tân, từ ngày 14-7, Quận đoàn phối hợp với các nhà hảo tâm, tổ chức từng “chuyến xe nghĩa tình”, kịp thời cùng chính quyền các cấp chăm lo cho người yếu thế, đặc biệt là lao động nhập cư, công nhân mất việc trong các khu nhà trọ, khu phong tỏa trên địa bàn quận.
“Đây là túi quà to nhất tôi từng nhận”
Những ngày cuối tháng 7, Phó Bí thư Quận đoàn Bình Tân Nguyễn Lê Trung Hiếu cùng đoàn viên thanh niên, đội công tác xã hội của quận đã lên “chuyến xe nghĩa tình” đưa những túi thực phẩm đến các khu phong tỏa, tiếp tế cho những gia đình khó khăn. Dù ngày nắng hay mưa, chuyến xe vẫn không thay đổi lịch hẹn với những người dân đang mong chờ từng túi gạo, cây bắp cải hay hộp cá…
Chiếc ô tô nhỏ được “độ chế” thành xe chở hàng, kèm một hệ thống rơmoóc để đưa các túi thực phẩm đến người dân đứng cách xa 2 m. “Chiếc xe được mạnh thường quân cho mượn, khi nào hết dịch thì mới trả lại” – anh Hiếu cho hay.
Theo anh Hiếu, những chuyến xe này được ưu tiên đi vào những con hẻm nhỏ, những khu phong tỏa nhỏ với vài mươi hộ dân. “Những nơi này không được nhiều mạnh thường quân biết đến nên người dân cần mình lắm” – anh Hiếu nói thêm.
Tại một điểm phong tỏa trên đường số 6, khu phố 4, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, có 35 hộ dân đã được nhận túi thực phẩm trị giá khoảng 400.000 đồng/phần gồm gạo, rau củ quả, miến, cá hộp…
Nhận túi thực phẩm, bà Võ Thị Đẹp rưng rưng nước mắt, liên tục cám ơn vì món quà rất thiết thực trong lúc này. “Tôi nghỉ bán vé số hai tháng nay rồi. Vừa qua tôi được hỗ trợ 1,5 triệu đồng, còn được các mạnh thường quân và chính quyền cho thực phẩm nhưng không tự đi làm ra tiền nên buồn lắm” – bà nói.
Còn chị Châu không giấu nổi niềm vui trên ánh mắt, nhanh chóng mở túi ra xem bên trong có thực phẩm gì. “Vui lắm, vì chính quyền đã quan tâm đến chúng tôi. Lúc nãy mở túi thấy có gạo, khoai, bắp cải, đồ hộp… nhiều lắm, cũng đủ đầy” – chị Châu khoe.
tại một khu phong tỏa khác trên đường Trần Đại Nghĩa, bà Xuân Thị Nưa xúc động nói: “Với số thực phẩm này tôi có thể sống được 5-6 ngày nữa, mừng lắm”. Bà cho biết mình làm công nhân, đã nghỉ ở nhà hơn một tháng, nay lại vướng phong tỏa nên cuộc sống càng thêm khó khăn. “Trước đó, tôi cũng được cho nhưng lần này nhiều hơn, đây là túi quà to nhất tôi từng nhận” – bà Nưa nghẹn ngào.
Chăm lo vật chất lẫn tinh thần
Anh Lê Sa Lin, Bí thư Quận đoàn Bình Tân, cho biết Quận đoàn đã thành lập Đội Công tác xã hội phụ trách việc vận động mạnh thường quân, tổ chức các chuyến hỗ trợ đến khu cách ly, phong tỏa hay những nơi bà con đang còn thiếu thốn.
Xuất phát từ tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tính đến nay chuyến xe nghĩa tình đã đi qua 10/10 phường trên địa bàn quận, hỗ trợ nhiều khu nhà trọ của công nhân, người lao động, người yếu thế gặp khó khăn do mất việc. Trong đó có nhiều khu nhà trọ cũng chính là nơi phong tỏa.
Theo anh Sa Lin, mỗi tuần sẽ có hai chuyến xe, mỗi chuyến mang theo khoảng 100-150 phần nhu yếu phẩm, giá trị khoảng 300.000-400.000 đồng/phần.
Quận đoàn Bình Tân còn tổ chức chương trình đi chợ giúp dân ở các khu vực bị cách ly, cố gắng giao đơn trong ngày để người dân có những bữa cơm tươm tất hơn giữa mùa dịch. Đơn vị này cũng phối hợp với mạnh thường quân triển khai gói xem phim miễn phí trên mạng trong một tháng cho người dân khu phong tỏa, cách ly…
Công khai số điện thoại nóng
Tại quận Bình Tân, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, Liên đoàn Lao động (lđlđ), Hội Chữ thập đỏ, Quận đoàn, Hội Phụ nữ quận đều công khai số điện thoại nóng kể cả số điện thoại của lãnh đạo các đơn vị này để người dân gọi khi cần trợ giúp.
Bà Nguyễn Thanh Nguyệt, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bình Tân, cho biết thông qua đường dây nóng, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận đã tiếp nhận các trường hợp bà con khó khăn. Qua đó, phối hợp với các đoàn thể, chính quyền xác minh và lên danh sách, trao quà đến tận nhà những hộ dân khó khăn hoặc sống trong khu phong tỏa, cách ly.
Theo bà Nguyệt, quận nỗ lực hết sức để chăm lo cho người dân trong các khu phong tỏa, nhất là công nhân và người nghèo. “Những thực phẩm cơ bản như gạo, mì, rau củ quả, đồ hộp, gia vị… luôn được đảm bảo; riêng nhu cầu về thịt, cá thì còn gặp khó khăn” – bà Nguyệt trăn trở.
Bà Nguyệt kể, nhớ đợt khu phố 2, 3, 4 thuộc phường An Lạc bị phong tỏa, một số người dân gọi điện thoại phản ánh nhu yếu phẩm của họ đã cạn dần, cần được hỗ trợ. Lập tức Ủy ban MTTQ quận phối hợp với phường xác minh và có khoảng 7.000 công nhân khó khăn đã được hỗ trợ.