Ban Mê ơi do Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk và Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM phối hợp tổ chức nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Tây nguyên, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Chiều ngày 15.7, tại thác Dray Nur (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk), chương trình thời trang nghệ thuật Ban Mê ơi đã diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk cùng diễn xuất của gần 300 nghệ sĩ, người mẫu các dân tộc Việt như Kinh, Ê Đê, M’nông, Thái, Tày, Nùng…
Các nghệ sĩ của chương trình Ban Mê ơi diễn giữa đại ngàn
Thác Dray Nur hùng vĩ và huyền bí, nơi dòng sông Sêrêpôk đổ về trở thành sân khấu lớn với chiều ngang 50 m, nơi biểu diễn bộ sưu tập thời trang của các nhà thiết kế Lê Kyo, Công Huân, Cao Duy, Trung Beret, Nguyễn Thúy, Minh Hạnh, đa phần từ chất liệu thổ cẩm của vùng đất Tây nguyên.
Sân khấu được dàn dựng ngay dưới chân thác Dray Nur hùng vĩ và huyền bí
Khán giả Đắk Lắk không ngại trời mưa lất phất khi chương trình Ban Mê ơi khởi diễn lúc 16 giờ, tất cả đều ngồi xem đến hết dù mưa gần 30 phút đầu trong thời lượng 60 phút của chương trình. Ai cũng háo hức được xem một chương trình hoành tráng, hiếm hoi tại Tây nguyên. Khán giả như hòa vào dòng chảy của ngày hội làng với những điệu múa, lời ca vang vọng núi rừng, hòa quyện cùng sắc màu thổ cẩm.
Nhà thiết kế Minh Hạnh, tổng đạo diễn chương trình cho biết: “Thổ cẩm có thêm sứ mệnh là mang lại sự bình yên, là đường tơ nối dài từ sơ khai đến hiện tại, từ quá khứ đến tương lai. Thổ cẩm khiến người mặc ấm áp hơn, yêu thương nhau hơn, đặc biệt khi qua bàn tay của đồng bào các dân tộc Tây nguyên tạo nên”.
Diễn giữa đại ngàn, chương trình Ban Mê ơi khiến khán giả bất ngờ với điệu múa uyển chuyển của các nghệ sĩ Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk, sự thể hiện nét duyên dáng, mượt mà qua trang phục thổ cẩm của hàng trăm người mẫu nhiều dân tộc như Kinh, Ê Đê, M’nông… cùng học sinh Trường Dân tộc nội trú. Các ca sĩ người dân tộc sống tại Đắk Lắk như H’Lueng Niê, Brice Liêm, Y Joel Knul, Minh Đức, Minh Chi, Khang Ngọc… biểu diễn nhiều ca khúc nổi tiếng như Ngọn lửa cao nguyên, Sơn nữ ca, Hồn đất mẹ, Chiếc vòng cầu hôn, Em muốn sống bên anh trọn đời…
Khán giả H’Ruôi Niê Khăm (Ê Đê) nhận xét: “Đây là chương trình độc đáo, hiếm hoi khi lời ca tiếng hát, vẻ đẹp của trang phục thổ cẩm hòa quyện cùng núi rừng Tây nguyên. Điều đặc biệt là sự kiện diễn ra ngay trên quê hương tôi nên cảm xúc lắm”.
Ban Mê ơi góp phần giữ gìn, tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc tại Tây nguyên, xây dựng và phát huy tinh thần khối đại đoàn kết dân tộc
Còn khán giả H’Chem Niê (M’nông) thì bày tỏ rằng mong có thêm nhiều chương trình được dàn dựng công phu như Ban Mê ơi để các nghệ sĩ nhiều dân tộc ở Tây nguyên mang lời ca tiếng hát phục vụ đồng bào.
Chương trình Ban Mê ơi góp phần giữ gìn, tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc tại Tây nguyên, xây dựng và phát huy tinh thần khối đại đoàn kết dân tộc.
Danh Nghi (Báo Thanh niên)