PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp, tốt nghiệp Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM (tiền thân của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) với đề tài “Phân tích chi phí điều trị bệnh STM giai đoạn cuối tại Bệnh viện Nhân dân 115”. Với số điểm cao nhất khi bảo vệ đề tài bằng tiếng Pháp và được Hội đồng Giám khảo Pháp – Việt đánh giá xuất sắc, BS. Hiệp được Tổ chức Đại học cộng đồng Pháp ngữ (AUF) tài trợ năm đầu trong 2 năm học thạc sĩ tại Đại học Y Bordeaux (Pháp). Năm 2005, ở tuổi 29, ông đã trở thành người Việt Nam trẻ nhất tốt nghiệp tiến sĩ y khoa tại Pháp. Đây là lần đầu tiên có một đề tài nghiên cứu dịch tễ học có ứng dụng trong lâm sàng, phù hợp với mục tiêu của bộ môn sức khỏe cộng đồng – dịch tễ học và phát triển thuộc Đại học Y Bordeaux.
Khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, với vai trò là Phó Bí thư Đảng ủy – Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp đã vận động hơn 2.600 giảng viên, sinh viên tham gia các đội hình tình nguyện hỗ trợ lực lượng tuyến đầu trên tất cả các mặt trận phòng chống dịch và cử các bác sĩ, giảng viên đi các quận huyện cùng giúp đỡ y tế trong việc chăm sóc người nhiễm bệnh. Ông đã chủ động kêu gọi các bác sĩ, nhân viên y tế của Trường thực hiện tư vấn sức khỏe trực tuyến miễn phí cho người dân. Trong thời gian này, Phòng Khám đa khoa của Trường cũng đã triển khai tư vấn sức khỏe trực tuyến cho mọi người với hơn 100 chuyên gia, bác sĩ, giảng viên tham gia. Đồng thời, Phòng khám đã tiếp nhận, tư vấn trực tiếp và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 300 trường hợp.
Thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND TPHCM, Trường đã thành lập Ban Chỉ huy phòng chống dịch, do PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp trực tiếp phụ trách trên 9 mặt trận: Đội hình Tổng đài Cấp cứu 115 (thuộc Trung tâm cấp cứu 115) điều phối công tác chuyển bệnh trên địa bàn TPHCM, Taxi cấp cứu chuyển bệnh (theo sự điều phối của Trung tâm Cấp cứu 115), Tổ y tế từ xa, Truyền thông giáo dục sức khỏe trang bị kiến thức và dự phòng, Tổng đài tư vấn sức khỏe từ xa tại Quận 10, Đội hình hỗ trợ công tác tiêm chủng, Đội hình lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, Đội hình chăm sóc, điều trị F0 tại khu cách ly, bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, Đội hình giám sát chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir tại cộng đồng thuộc chương trình của Bộ Y tế và Sở Y tế. Đảng ủy Trường phối hợp với Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối đại học, cao đẳng TPHCM tổ chức truyền thông “Chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho giảng viên, sinh viên trong mùa dịch Covid-19” tại các đơn vị, trường học trong Khối…
Bên cạnh hỗ trợ công tác chống dịch của thành phố, với cương vị là Hiệu trưởng, PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp còn theo dõi sát sao và triển khai các chương trình chăm lo đời sống cho viên chức, giảng viên, người lao động của nhà trường. Theo đó, giảng viên, người lao động, học viên, sinh viên sẽ được các y bác sĩ của Phòng khám tư vấn và theo dõi khi gặp các vấn đề sức khỏe. Đối với các trường hợp F0 sau khi tham gia chống dịch, nhà trường liên hệ và đưa đến Bệnh viện Điều trị tại Cần Giờ nhằm đảm bảo việc chăm sóc và điều trị. Nếu viên chức, giảng viên, người lao động có các dấu hiệu nhiễm hoặc nghi ngờ mình mắc bệnh sẽ được Phòng khám khám sàng lọc và test nhanh trong trường hợp cần thiết.
Trước đó, từ lúc dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát, PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp đã nhận thức được mức độ nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng nên chủ động tổ chức nhiều hoạt động cung cấp kiến thức dự phòng cho người dân thông qua các chương trình tập huấn một số biện pháp phòng chống dịch tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TPHCM. Đồng thời, ông cũng phối hợp tổ chức chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân nhằm cung cấp kiến thức đúng về dịch bệnh và hướng dẫn biện pháp phòng ngừa…
Với nhiều đóng góp trong công tác phòng chống dịch, đồng chí Nguyễn Thanh Hiệp vinh dự là một trong 101 cá nhân điển hình “Dân vận khéo” năm 2021 được UBND TPHCM tặng bằng khen trong dịp họp mặt kỷ niệm 91 năm Ngày Truyền thống công tác dân vận của Đảng do Ban Dân vận Thành ủy tổ chức vào ngày 27/11/2021.
Khánh Huy