Trong làn sóng thứ tư của dịch bệnh Covid-19 diễn ra ở TPHCM, số ca dịch đã gia tăng nhanh chóng, vượt qua mốc an toàn đưa Thành phố trở thành địa phương có tỷ lệ nhiễm báo động là 13 ca/triệu dân. Hơn một tháng qua, hệ thống chính trị TPHCM dưới sự lãnh đạo của Thành ủyđã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép, ra sức vận động nhân dân đồng lòng, đoàn kết phòng, chống dịch bệnh .Lãnh đạo hệ thống chính trị và nhân dân phòng, chống dịch Xác định nguy cơ dịch lây lan tại TPHCM rất cao, nhất là sau kỳ nghỉ lễ khi người dân quay trở về thành phố tiếp tục làm việc, học tập, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 05 tháng 5 năm 2021 về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, lãnh đạo hệ thống chính trị tăng cường kiểm soát dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, vừa bảo đảm an sinh xã hội và tạo điều kiện phát triển kinh tế thành phố. Quan điểm chỉ đạo là thực hiện sáng tạo, hiệu quả phương châm “5 tại chỗ – 4 nguyên tắc trong phòng, chống dịch” đảm bảo theo yêu cầu của dịch tễ học; kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp không tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch hoặc đưa tin sai sự thật gây hoang mang trong dư luận, lợi dụng dịch bệnh để xuyên tạc, vu cáo ảnh hưởng đến khối đoàn kết toàn dân tộc. Từ sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, xác định công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Ban Dân vận Thành ủy tham mưu kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch Covid-19, theo đó, ba loại hình tổ công tác đã được thành lập tại 312 phường, xã, thị trấn ở làn sóng dịch đầu tiên vào năm 2020 đã được tái lập với thành phần và chức năng cụ thể. Tổ công tác nắm tình hình nhân dân, tình hình các hộ nghèo, các đối tượng yếu thế cần chăm lo… không để tình trạng người dân thiếu hỗ trợ kịp thời dẫn đến cùng cực trong cuộc sống, phát sinh nhiều hệ lụy khác. Tổ công tác nắm tình hình các cơ sở thờ tự, kịp thời vận động, hướng dẫn không để tình trạng thực hiện các nghi lễ tôn giáo hoặc tổ chức tang lễ nhưng chấp hành không đầy đủ về các quy định cách ly xã hội như tập trung đông người, thiếu nước sát khuẩn hoặc mang khẩu trang không đầy đủ. Tổ công tác phối hợp nắm chắc tình hình các doanh nghiệp, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục các điểm còn hạn chế để đáp ứng với các quy định về rủi ro lây nhiễm tại các doanh nghiệp nhanh chóng vận hành và phát huy hiệu quả, góp phần tích cực hạn chế việc lây lan trong cộng đồng. |
Ban Dân vận Thành ủy hướng dẫn Ban Dân vận Thành ủy Thủ Đức, quận ủy, huyện ủy tăng cường nắm tình hình, cùng phối hợp tổ chức các loại hình tuyên truyền phong phú, khuyến khích các hình thức tuyên truyền trực quan với mục tiêu đảm bảo các kiến thức cơ bản, các quy định cách ly và truyền thông về 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế) phải đến từng hộ dân, tạo chuyển biến thực sự trong nhận thức và không lơ là, chủ quan trong phòng dịch. Bên cạnh việc thực hiện quyết liệt các biện pháp dập dịch tại khu dân cư, hệ thống dân vận các cấp tổ chức tốt các hoạt động chăm lo, hỗ trợ người dân khu vực bị cách ly, phong tỏa và bị ảnh hưởng thu nhập do dịch bệnh. Dân vận theo trên tinh thần vừa chống dịch vừa nắm tình hình, vừa tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu, không nghe theo các quan điểm thù địch, xuyên tạc tình hình dịch tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt, sau hàng loạt ca bệnh liên quan nhóm Hội thánh Tin lành Phục Hưng, hệ thống dân vận các cấp tập trung tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức, không vì đức tin mà xem thường các khuyến cáo y học.
Hệ thống chính trị và nhân dân đoàn kết một lòng
Với phương châm nhanh chóng và chủ động, Ban Dân vận Thành phố Thủ Đức, các quận, huyện chủ động tham mưu cấp ủy tập trung lãnh đạo, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia quyết liệt, tích cực và sẵn sàng ứng phó với các tình huống phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với khí thế và tinh thần nghiêm túc. Các tổ công tác phòng, chống Covid-19 tại địa bàn dân cư và tại các doanh nghiệp, đơn vị, tăng cường vận động nhân dân chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, nhắc nhở, xử phạt các trường hợp vi phạm.
Ban Dân vận cấp ủy tiếp xúc, vận động các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn thành phố chấp hành nghiêm việc tạm dừng các nghi lễ tôn giáo theo chỉ đạo và chuyển sinh hoạt tôn giáo, giảng lễ, thuyết pháp sang hình thức trực tuyến cho các tín đồ theo dõi, sinh hoạt tôn giáo; đồng thời, nhắc nhở tín đồ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch với thông điệp 5K theo hướng dẫn Bộ Y tế. Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thăm hỏi, động viên lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại các điểm phát sinh dịch bệnh.
Mặt trận Tổ quốc Thành phố vận động nhà hảo tâm, mạnh thường quân đóng góp chăm lo cho người dân, quyên góp Quỹ vác-xin phòng, chống dịch Covid-19 và Quỹ phòng, chống Covid-19. Tính đến ngày 10 tháng 6, đã có 105 cá nhân, đơn vị, tổ chức ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 với số đăng ký gần 2.300 tỷ đồng (trong đó đã tiếp nhận gần 123 tỷ đồng); Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM đã tiếp nhận gần 292 tỉ đồng (trong đó, có hơn 195,4 tỉ đồng tiền mặt và hơn 95,7 tỉ đồng hàng hóa và trang thiết bị).
Phong trào tình nguyện do Thành đoàn phát động được nhân rộng tại nhiều địa phương, nhiều cơ sở Đoàn thành lập các Tổ tình nguyện trực tiếp tham gia hỗ trợ tại các điểm chốt, phân luồng giao thông khi thực hiện giãn cách xã hội… Hội Liên hiệp phụ nữ thực hiện phong trào chăm lo cho phụ nữ nghèo, phát động hội viên nấu ăn, tự làm các vật dụng hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, phát huy các mô hình đi chợ thay cho các hộ gia đình ở các khu cách ly… Liên đoàn Lao động tập trung cho công tác chăm lo cho đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các khu lưu trú, khu nhà trọ bị cách ly gồm nhu yếu phẩm và các vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết… và rất nhiều hoạt động khác của các đoàn thể, các tổ chức, nhóm thiện nguyện do người dân thành lập để tham gia phòng, chống dịch.
Mô hình, cách làm về hỗ trợ, chăm lo cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch và lực lượng phòng, chống dịch được thực hiện khá phong phú, đa dạng tại hầu hết các địa phương trên địa bàn thành phố. Điển hình như các ATM gạo, ATM thực phẩm, giảm giá hoặc miễn phí phòng trọ cho công nhân, người nghèo… tiếp tục được phát huy; các mô hình “Gian hàng 0 đồng”, “Gian hàng 2 K”, “Suất ăn tử tế”, “Siêu thị nghĩ tình”; “Bữa sáng 0 đồng, ấm lòng Covid”, “Màu xanh hy vọng”… được hình thành và nhân rộng ở nhiều địa phương.
Trong hơn một tháng qua, tổng kinh phí các địa phương, đơn vị đã chăm lo cho các hộ nghèo, hộ khó khăn tại khu cách ly, các hộ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và các lực lượng phòng, chống tại các ổ dịch, các chốt cách ly, chốt kiểm soát bằng tiền mặt, quà, bữa ăn, các mặt hàng thiết yếu (rau, củ, quả, gạo, mì gói…) ước đạt hơn 21 tỷ đồng.
Văn hóa phòng, chống dịch Covid-19
Trên quan điểm tất cả “vì hạnh phúc của nhân dân”, sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp đã phát huy vai trò, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhận được đồng thuận cao từ nhân dân hình thành nên sức mạnh tổng hợp giúp TPHCM từng ngày chống chọi đại dịch. Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước đang “gồng mình” phòng, chống dịch, hệ thống chính trị và nhân dân TPHCM luôn khẩn trương và tập trung cao độ trong cuộc chiến cam go này. Đó là một cuộc chiến không chỉ giữa những y, bác sĩ, những người làm ngành y chống lại loại virut nguy hiểm mà còn là cuộc chiến người dân phải đối mặt với khó khăn, thiếu thốn, cách chia.
Số ca dịch ngày càng tăng, số địa điểm phải phong tỏa càng nhiều; lực lượng tuyến đầu chống dịch phải dốc kiệt sức, có lúc mệt rã rời sau nhiều đêm trắng liên tiếp đi từng nhà, gõ từng khu phố, truy từng ca bệnh, vận động xét nghiệm, truy vết. Các cán bộ, chiến sĩ công an, dân quân, lực lượng bảo vệ dân phố luôn phải “căng mình” vì trực chốt kiểm soát y tế, khu vực phong tỏa, đảm bảo an ninh trật tự tại các “điểm nóng”. Song, không vì thế mà các lực lượng nơi tuyến đầu lại lơi lỏng nhiệm vụ, bởi sát cánh bên các lực lượng là cả hệ thống chính trị và trên hết là sự quan tâm, đồng hành của nhân dân thành phố.
Từng ngày trôi qua, nơi nơi xuất hiện những mô hình, cách làm hay về tinh thần yêu thương con người, san sẻ, giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn. Ở đâu có điểm phong tỏa thì ở đó có những hành động đẹp, những nghĩa cử yêu thương, cứ thế lan ra, nhân lên hình thành nét đẹp cộng đồng. Ở nơi đô thị phồn hoa bậc nhất cả nước, vậy mà, cư dân nơi đây vẫn không quên “tình làng nghĩa xóm”, vẫn nhớ bài học “lá lành đùm lá rách”, mỗi người, mỗi gia đình “có gì góp nấy”, hỗ trợ giúp nhau từ những vật dụng thiết yếu như khẩu trang, nước rửa khuẩn, tấm chắn giọt bắn, bó rau, kí gạo, thực phẩm tươi sống…. Từ con hẻm nhỏ đến chung cư cao tầng, người góp công, người góp sức hỗ trợ đóng gói thực phẩm, khuân vác, vận chuyển hàng hóa vào tâm dịch để “ai có nhu cầu thì lấy một phần” và “lấy vừa đủ phần cho mình”. Không ai bảo ai, tất cả đều rất trật tự, người cho thì chu đáo tận tình, người nhận xếp hàng giãn cách thật văn minh để nhận “nghĩa tình đồng bào”.
Nghĩa tình đó không chỉ xuất hiện giữa người dân với nhau, mà còn giữa người dân với các lực lượng phòng, chống dịch. Nếu cái nắng gắt hay những cơn mưa rào mùa hạ ở TPHCM không làm lực lượng tuyến đầu buông lỏng các điểm trực chốt thì từng trái bắp, chai nước, gói xôi… được người dân trao tay cho lực lượng này làm cho nghĩa tình nhân dân thêm đậm đà, gắn kết. Chính giá trị tình người nơi tuyến đầu phòng, chống dịch đã góp phần tạo động lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ nỗ lực hơn trong công tác vô cùng khó khăn mà thầm lặng.
Nếu nghĩa tình là chất keo gắn kết con người với con người đã có tác dụng quy tụ người dân chung tay, đồng lòng thì tinh thần lạc quan, năng động của công dân thành phố đã truyền cảm hứng cho vô vàn mô hình, cách làm khéo léo được nhân rộng ngày càng nhiều thêm. Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, điểm sáng về chất nghĩa tình và tính năng động của người Sài Gòn được thắp lên, hình thành nét văn hóa của tinh thần đoàn kết, chung lòng và san sẻ yêu thương. Đó có thể gọi là “văn hóa phòng, chống dịch Covid-19” trong không gian văn hóa TPHCM “chống dịch như chống giặc, bình dị mà nhân văn”, là nét đẹp văn hóa, con người Việt Nam rất riêng mà không nơi nào trên thế giới có được.
Nguyễn Hữu Hiệp
UVTV – Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM