Những ngày vừa qua, người dân mọi miền đất nước liên tiếp gửi nông sản, thực phẩm tiếp tế TP.HCM. Cảm động trước tấm chân tình này, anh Huỳnh Vĩnh Lộc (Bí thư huyện Đoàn Củ Chi) đã kể lại những câu chuyện nghĩa tình như thế qua Nhật ký rau củ quả dưới dạng nhật ký.
“Củ Chi, 23h56 phút, ngày 13/7/2021
Tôi là củ cải trắng. Tôi sinh ra và lớn lên ở Đắc Nông. Tôi không nghĩ rằng vòng đời của mình lại thú vị như thế. Khi vừa mới được gieo trồng, các bạn côn trùng đất đã tiết lộ cho tôi biết rằng sau này tôi sẽ có hành trình dài để đến nơi mà con người gọi là chợ đầu mối nông sản trước khi trở thành món ăn.
Nào ngờ hôm nay, sau một hành trình dài, tôi đến với Thành phố Hồ Chí Minh. Qua những trận say xe xỉu lên xỉu xuống, tôi lại được đưa xuống Nhà Thiếu nhi Củ Chi. Lúc đầu tôi bất ngờ lắm. Tôi nghĩ Nhà Thiếu nhi sẽ có nhiều thiếu nhi. Nhưng tôi lại biết rằng do cô gì đó mà người ta đang gọi là Covid-19 đã làm cho nơi này tạm vắng bóng thiếu nhi. Và điều làm tôi bất ngờ tiếp theo khi đến đây là tôi thấy có nhiều bạn rau củ quả khác cũng đang ở đó…”
Đây là bài viết đầu tiên của anh Huỳnh Vĩnh Lộc trong “Series” Nhật ký rau củ quả. Anh cho biết khi nhìn những củ cải trắng lấm lem đất đỏ, anh đã rất cảm động. Hẳn là các cô chú, anh chị nông dân ở Đắc Nông đã cố gắng thu hoạch thật nhanh, chuyển vào thành phố thật sớm để kịp thời chuyển đến các nơi bị phong tỏa chống dịch. Thế là phải để củ cải trắng… mặt mộc xuống TP.HCM mà chưa kịp “tắm rửa”.
Đến ý tưởng viết nhật ký rau củ quả
Sau bài viết củ cải trắng mặt mộc được nhiều bạn bè yêu thích, anh bắt đầu lên ý tưởng viết hàng loạt bài khác. Ở mỗi bài viết, anh lại hóa thân thành những nhân vật rau củ quả khác nhau để kể về hành trình đi đường, những câu chuyện yêu thương, chia sẻ của người dân mọi miền đất nước với tâm dịch TP.HCM. Nào là bí xanh đô con, lực lưỡng đến từ thành phố Pleiku, đến chuối cau đến từ Đồng Nai, bí đỏ bowling đến từ Quảng Trị…
Ngoài ra, trong Nhật ký rau củ quả mở rộng, anh còn hóa thân thành nhiều món ăn, đồ vật khác. Chẳng hạn chiếc bếp ga mi ni ở huyện Đoàn được sử dụng trong các bữa tiệc nhỏ. Từ ngày 24/7/2021 đến nay, “em” ấy đã được các anh chị hậu cần phòng chống dịch làm dùng làm bếp ăn dã chiến. Hay muối tinh, bột ngọt, đường kính trắng, ruốc, lạc, sả, thịt heo đến từ bà con Cam Lộ (Quảng Trị); những em Tôm béo từ đất mũi Cà Mau đến phục vụ cho người dân khó khăn, nhà dưỡng lão, bếp ăn tình thương, đội ngũ y bác sĩ của TP.HCM.
Trân quý lắm những tấm lòng
Anh Lộc chia sẻ, từ ngày 30/6/2021 đến nay, Huyện Đoàn – Nhà thiếu nhi Củ Chi trở thành điểm tiếp nhận các nguồn lực hậu cần chống dịch và nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân khó khăn. Anh nói vui, cơ quan anh chẳng khác nào chợ đầu mối. Ngày ngày tiếp nhận, phân loại rau củ quả khiến anh và mọi người thêm trân quí sức lao động của người nông dân và tình cảm của người trao tặng. Không muốn vòng đời “các bạn” rau củ quả vô nghĩa, anh chị Đoàn viên đã chăm sóc đặc biệt, “trị thương, tắm rửa, trang điểm” làm cho các bạn xinh đẹp trở lại trước khi trao đến người dân. Mỗi ngày, khoảng trên 1 tấn rau củ quả được chuyển đến, cao điểm hơn 5 tấn đến khuya nên các anh chị cùng ở lại cơ quan phân loại các bạn ấy.
Tính từ ngày 13/7/2021 đến nay, anh đã viết được 24 bài. Mỗi bài đều có những chi tiết thú vị và sống động khác nhau. Mà nè, chắc bạn đang thắc mắc vì sao một Bí thư huyện Đoàn lại có thể viết văn mượt mà, chi tiết sinh động và hành văn thu hút như vậy? Bật mí đây: Anh Lộc đã tốt nghiệp ngành Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Trước khi trở thành Bí thư, anh đã từng là thầy giáo dạy văn trường THPT Tân Thông Hội (huyện Củ Chi). Hiện nay, ngoài công tác Đoàn, anh còn tham gia dạy phổ cập giáo dục môn Văn cho học sinh lớp 10, 11, 12.
Một vài đoạn trích trong Nhật ký rau củ quả của anh Huỳnh Vĩnh Lộc
NGUYỄN TÚ thực hiện