Lời kể lại của một tình nguyên viên đặc biệt người Hoa trong “tâm dịch” ở TP Hồ Chí Minh. Trong bộ đồ bảo hộ, anh đã xung phong ra tuyến đầu, hỗ trợ cho bà con người Hoa tại bệnh viện. Anh là Dương Rạch Sanh, người Hoa gốc Quảng Đông, sinh ra và trưởng thành tại TP Hồ Chí Minh.
Lao vào điểm nóng
Tôi vào “tâm dịch” TP Hồ Chí Minh một cách rất tình cờ, vì lý do rất cụ thể là làm phiên dịch tiếng Hoa cho các F1, F2, F3 tại một bệnh viện khu vực Chợ Lớn của TP Hồ Chí Minh, địa phương có gần nửa triệu người Hoa sinh sống. Đơn giản chỉ vì tôi biết đọc-viết tiếng Hoa rành như đọc-viết tiếng Việt vậy.
Tôi sinh ra ở thành phố này, lớn lên cùng những lớp học song ngữ Hoa-Việt, trưởng thành và từng làm công tác phóng viên của tờ báo có tiếng Hoa, cho nên mỗi nhịp thở, niềm vui hay nỗi đau của thành phố, cũng là của chúng tôi.
Nhìn con số F0 tăng lên hàng ngày, tôi xót xa nhiều, nhưng với sức lực bé mọn của một công dân yêu nước, yêu thành phố, tôi không thể làm gì hơn ngoài “ngồi yên” khi được yêu cầu trong lúc giãn cách xã hội.
Định mệnh đến vào đầu tháng 7/2021, khi ngành y tế địa phương có nhu cầu tìm người phiên dịch cho các F là người Hoa đang chuẩn bị sàng lọc, tiêm ngừa, đang điều tra dịch tễ, đang được chữa trị các căn bệnh nền tại các bệnh viện.
Khi nghe thông báo ấy, nhiều người ngập ngừng và chúng tôi, những người làm việc tại Phòng Trưng bày Truyền thống văn hóa người Hoa Chợ Lớn dường như thấy… cơ hội được cống hiến.
Anh nhân viên y tế nói: “Lúc này ra ngoài là rất nguy hiểm, vào bệnh viện càng nguy hiểm. Nhưng ngành y cần các bạn, vì bà con người Hoa không phải ai cũng biết nói và hiểu tiếng Việt. Và y bác sĩ thì hầu hết không biết tiếng Hoa. Nếu các bạn không vào đó, chúng tôi thật sự khó khăn, bà con sẽ kéo dài nguy cơ lây nhiễm chéo”.
Ngay hôm đó, tôi và đồng đội bắt tay vào việc ngay và luôn. Mỗi người được cấp phát quần áo bảo hộ, phía sau có ghi tên để dễ nhận ra, được huấn luyện các kỹ năng bảo vệ bản thân cơ bản nhất, chúng tôi lao vào điểm nóng là Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ hôm ấy chủ yếu là làm phiên dịch cho những bà con người Hoa đến đây để test và tiêm chủng; hỗ trợ bà con khai báo y tế, điền thông tin…
Sau những phút bỡ ngỡ ban đầu, các công tác phiên dịch, khai báo giúp cũng tạm ổn. Khi nhân viên y tế cần hỏi lại thông tin gì, thì tôi trao đổi với bà con, với người khám bệnh, rồi bổ sung thông tin.
Có những bà con cần đi vệ sinh, khát nước, không biết đường đến phân khu chuyên môn,… thì tôi lại phiên dịch lời hướng dẫn của bệnh viện.
Uống nước bù nước
Nóng kinh khủng mà không thể tháo quần áo ra, tôi tìm cách thích nghi khi vãn công việc, bằng cách đứng cạnh quạt máy mặc cho gió thổi. Bình thường, làm việc trong máy lạnh đã quen, nay ra giữa sảnh bệnh viện, vây quanh là hàng chục câu hỏi, thắc mắc của bà con, tôi như bị ù tai và choáng váng.
Mồ hôi ra nhiều ướt áo phía trong đã đành, nó còn chảy luồn vào găng tay cao su, vào giày rất khó chịu. Sau mấy giờ làm việc liên tục và căng thẳng vì sợ phơi nhiễm, đội chúng tôi bắt đầu khát nước.
Phần mình, không thể buông công việc cũng không thể cởi áo bảo hộ, tôi bèn uống… nước bọt của chính mình để giải tỏa cơn khát. Cũng may là trong những thời khắc ấy, tôi quên hẵn nhu cầu vệ sinh cá nhân mà chỉ lo hỏi, phiên dịch, khai báo giúp.
Tổng kết cuối ca làm việc từ 7 giờ 30 phút đến 12 giờ 30 phút hôm đó, tôi hỗ trợ cho 30 cô chú người Hoa lớn tuổi. Đó là một khối lượng công việc khổng lồ vì bà con người Hoa khi đến cổng bệnh viện, là chúng tôi phải lo từ A-Z. Có người yếu sức, phải đi xe lăn, chúng tôi phải vừa đẩy xe, vừa an ủi bằng tiếng Hoa cho họ bớt lo lắng.
Anh bạn Lý Vĩ Hiền chung nhóm, cho biết trong ca làm việc chiều từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút, anh chỉ tháo nón bảo hộ đúng 1 lần để cho ống hút vào hút lon nước giải khát. Còn đồng nghiệp khác của tôi là Tất Vĩ Nam và Lâm Xương Diệu thì uống được lon tăng lực sau khi bị ngạt thở. Cả hai mấy lần bị ngứa mà… không thể cho tay vào gãi được và tất cả chúng tôi đều quên cả việc ăn lấy sức.
Với bà con người Hoa cao tuổi, việc di chuyển cũng khó, nói chi đến trả lời bác sĩ khám sàng lọc. Tôi vừa dìu bà Phương ngồi vào ghế nóng, đã phải hỏi, hiểu và trả lời mấy chục câu hỏi của bác sĩ như: “có sốt không, có qua vùng dịch không, bệnh nền bị gì, trong thời gian gần có dị ứng…”.
Mà quả là “ghế nóng” thật sự khi dù đã giữ khoảng cách quy định, nhưng do nhiều người xếp hàng đôn lên, nên cái ghế tôi ngồi nóng như lò lửa. Lò lửa ấy đã làm phần ngồi của cơ thể tôi đỏ hồng, sau một ngày làm việc và khi cởi bỏ bộ quần áo bảo hộ.
Có chú Lý vừa tiêm chủng xong, mặc cho yêu cầu của bác sĩ người Việt, đã lập cập bỏ về ngay để “ngộ chăm sóc cháu nội pị pịnh á” nhưng qua sự phiên dịch bằng tiếng Hoa, hiểu ngọn nguồn, chú cũng chịu khó ngồi im 30 phút để theo dõi.
Ấn tượng hơn là các cô chú cao tuổi, không biết nói, cũng chẳng biết viết tiếng Việt vào giấy theo dõi sau tiêm. Thế là chúng tôi lại phải làm thư ký ghi chép giúp, sau khi làm phiên dịch rã rời. Có những người đi không vững, anh em chúng tôi phải đỡ, dìu đi… dù biết nguy cơ lây nhiễm cho hai phía là rất cao.
Theo dõi 30 phút sau tiêm, chúng tôi điền giúp bà con mẫu theo dõi thông tin sức khỏe rồi tiễn bà con ra cổng bệnh viện, cho người nhà đón về.
Nước mắt đẫm mồ hôi
Đối với những trường hợp huyết áp tăng cao, nghe chỉ dẫn từ bác sĩ Việt, tôi phải cổ vũ các cô chú người Hoa phải thả lỏng thoải mái, nghỉ ngơi một lúc sau thì huyết áp sẽ hạ xuống; sau khi huyết áp hạ xuống rồi mới được tiêm chủng. Có người hồi hộp quá, đo đến ba lần, vẫn cao. Thế nên sau mỗi trường hợp huyết áp bình thường và được tiêm chủng thì chúng tôi cảm thấy nhẹ cả người.
Sau ba ngày làm việc căng thẳng như dây đàn, chúng tôi lại được xét nghiệm. Mỗi người nhận kết quả âm tính, là cả đội vui mừng. Bởi ngoài sự âu lo về sức khỏe, chúng tôi còn lo lắng hơn nếu như rủi ro ập đến với từng thành viên, thì các bà con sẽ thiệt thòi nhiều lắm!
Những ngày mặc bộ đồ bảo hộ tình nguyện chống dịch, ngoài cảm giác hạnh phúc ra, chúng tôi còn thấy được các y bác sĩ, nhân viên y tế đã rất cố gắng và nhẫn nại khi chỉ mới ba ngày, chúng tôi đã mệt lử còn họ thì làm công tác chống dịch đã mấy tháng trường.
Có trong tâm dịch, mới kính phục tinh thần xả thân vì người bệnh của họ thật đáng vinh danh. Một người bác sĩ mà tôi quen trong những ngày chống dịch, do mặc đồ bảo hộ trong thời gian dài, dẫn đến xuất hiện các đốm nhỏ do mồ hôi tạo ra rất ngứa rát khó chịu.
Và cũng vì đeo găng tay trong thời gian dài, bàn tay anh nổi nhiều mụn nước, mu bàn tay nổi lên những bọc nước, đôi chỗ bị bong tróc. Tôi đã khóc khi anh chìa bàn tay mình cho chúng tôi xem, và tôi ước gì gia đình anh ấy không phải xem hình ảnh này. Phía sau tấm kính chắn, tôi thấy anh cũng ngân ngấn lệ khi được hỏi về gia đình. Giọt nước mắt ấy, hẳn sẽ mặn vì lẫn mồ hôi.
Trong hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi đã chứng kiến những y bác sĩ không một lời than oán, đối mặt với nguy hiểm nhưng họ vẫn luôn vững vàng vì người bệnh, vì thành phố thân yêu. Rồi so với những khó khăn vừa trải qua, thì tôi tự nhận thấy cái mình cho đi, thật nhỏ bé.
Trong thời kỳ khó khăn này, chúng tôi – một nhóm người Hoa dấn thân vào tuyến đầu – triển khai các hoạt động tình nguyện hỗ trợ người khó khăn. Chúng tôi làm với niềm hy vọng mãnh liệt: tất cả cùng đồng lòng thì thành phố chúng ta sẽ nhanh chiến thắng bệnh dịch.
Biết là nguy hiểm, nhưng chúng tôi sẽ lại ra tuyến đầu hỗ trợ bà con vào ngày 29/7 sắp tới.
Theo Laodong.vn