Tiếng cười trong xóm trọ nghèo

Dịch bệnh khiến công việc của hàng triệu công nhân, người lao động nghèo đứt đoạn, khó khăn bủa vây, thiệt thòi trăm ngả.

Chị Dương (bên trái) cùng chung niềm vui với người dân xóm trọ khi nhận được quà từ chương trình “Triệu bữa cơm 2021” – Ảnh: CÔNG TRIỆU

Nhưng sau tất cả, gian khó vẫn không làm mọi người nản chí và tiếng cười cũng đã vang vọng…

Mong lắm ngày được đi làm

Qua nhiều đợt dịch, dãy trọ công nhân trên đường Thạnh Xuân 21 (quận 12, TP.HCM) nay đã vắng vẻ đi nhiều. Phần lớn mất việc nên đã bỏ về quê, phần ít vì không muốn làm gánh nặng cho gia đình nên đành bám trụ lại thành phố.

Đã hơn hai tháng nay, chị Lê Thị Dương (quê Kiên Giang, 47 tuổi, công nhân may) không đi làm. Trong khi đó, lương thợ cơ khí của chồng đã giảm hơn phân nửa vì không có việc.

Thu nhập ngày một eo hẹp, số tiền mà hai vợ chồng tằn tiện tích cóp đã cạn nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn và hàng chục khoản tiền thiết yếu lẫn “không tên” cần phải chi… Hơn nữa, hai đứa con (đứa lớn 15 tuổi, đứa nhỏ 9 tuổi) cần được đến trường, chị cũng cần mua sắm để chuẩn bị sinh thêm đứa thứ ba.

Nghỉ ngơi là việc cần cho một bà bầu, thế nhưng trước áp lực cuộc sống khiến giấc ngủ của chị Dương ngày một ngắn, còn những tiếng thở trong đêm thêm dài ra… 

Chị Dương kể có nhiều đêm thức trắng vì thương chồng làm mãi chẳng đủ ăn, tủi thương con rằng nếu được sinh ra trong một gia đình khác thì đã không phải chịu cảnh khổ cực. “Trước giờ cứ than làm nhiều cực quá, giờ ở nhà mãi chỉ mong được đi làm thôi. Được đi làm lại, cực mấy vợ chồng tui cũng chịu” – chị Dương tâm sự.

Thấu hiểu khó khăn của người ở trọ, cả chục năm nay bà Nguyễn Ngọc Lý (65 tuổi, chủ khu trọ trên đường Thạnh Xuân 21) không một lần tăng giá tiền trọ. Hễ trong nhà có thứ gì ngon, bà Lý đều để dành cho đám trẻ con ở khu trọ. 

“Bao năm tôi thu mỗi phòng có 700.000 đồng một tháng thôi, nên giờ kêu giảm thì khó cho tôi. Nhưng nếu hộ nào khó khăn quá mình sẽ có cách để hỗ trợ” – bà Lý nói.

Mừng quá

Dãy trọ trên đường Thới An 16 (phường Thới An, quận 12, TP.HCM) vốn toàn công nhân trọ ở nay cũng rất đìu hiu. Phần không tiếp xúc để đảm bảo phòng dịch, phần vì nghèo khó nên mọi người cũng ngại giao lưu với nhau, tối ngày đều đóng kín cửa. 

Đón nhận phần quà từ chương trình “Triệu bữa cơm” trao tặng, anh Trần Ngọc Quyền Anh (36 tuổi, quê Thừa Thiên Huế) tâm sự: “Mừng quá, mấy bữa nay toàn ăn mì gói”.

Với chất giọng đặc sệt người Huế, anh Quyền Anh kể có nhiều đợt vì sợ cụt vốn nên đành phải ăn mì gói suốt hai tuần liền. Quá khó khăn nên nhiều lần anh tính chuyển nghề, xin vào làm công nhân mong cuộc sống ổn định hơn nhưng phần vì trước nay chưa có nhiều kinh nghiệm, phần vì nhu cầu lao động giảm nên vẫn chưa tìm được việc.

“Mình sức dài vai rộng nên đâu muốn đói khổ thế này, chỉ mong dịch mau qua để đi bán kiếm đôi đồng trang trải. Khó khăn thế này mới thấm được câu nói một miếng khi đói bằng một gói khi no chú ơi” – anh Quyền Anh tâm sự.

Anh Lê Thanh Vũ – giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM – nói rằng hình ảnh những công nhân, người lao động nghèo mừng vui khi nhận được các phần quà hỗ trợ luôn khiến anh cứ day dứt. 

Và ngoài việc tìm kiếm các nguồn hỗ trợ lương thực thực phẩm cho công nhân, người lao động nghèo trong đợt này thì anh Vũ nói rằng về lâu dài cần phải chú trọng hơn nữa vào việc hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người thất nghiệp.

Trước đó, trung tâm đã tổ chức hoạt động tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người lao động qua nhiều đợt. Tuy nhiên, vì để đảm bảo phòng chống dịch bệnh nên tạm thời hoạt động này tạm ngưng và sẽ hoạt động lại ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

“Nhiều trường hợp cả vợ cả chồng đều thất nghiệp, rồi cũng có trường hợp là chồng bị tai nạn lao động, vợ lại thất nghiệp nên với họ món quà này dù ít dù nhiều cũng đều rất đáng quý” – anh Lê Thanh Vũ nói thêm.

Như tiếp thêm động lực để cùng nhau vượt qua khó khăn, những phần quà bằng cách này hay cách khác đã đến tay những công nhân, người lao động nghèo trên cả nước. Cũng từ đó mà tiếng cười đã vọng lại trong những xóm trọ công nhân, nụ cười hạnh phúc trước những san sẻ, động viên của toàn xã hội…

Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty thực phẩm PepsiCo VN (PepsiCo), Công ty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo VN (Suntory PepsiCo Việt Nam), Tổ chức CARE Quốc tế tại VN và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội VN (AFV) đã triển khai chương trình “Triệu bữa cơm 2021”.

Anh Nguyễn Tường Lâm – bí thư Trung ương Đoàn, phó chủ tịch thường trực Trung ương Hội LHTN VN – cho biết được khởi động từ ngày 10-4-2020, đến nay chương trình đã trao hơn 736.000 suất ăn trị giá hơn 11 tỉ đồng cho gần 47.500 người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch trên 18 tỉnh thành trong cả nước.

Scroll to Top