VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO TRONG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

– Quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về đại đoàn kết dân tộc.

  “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công”.

Đoàn kết của chủ tịch Hồ Chí Minh tập hợp đầy đủ các tầng lớp nhân dân, các đảng phái, các tôn giáo, thậm chí cả những người đã lầm đường lạc lối nhưng ăn năn hối cải, tất cả đoàn kết cùng vì một lợi ích chung là hạnh phúc của mỗi người trên cơ sở đất nước độc lập, nhân dân tự do.

Quan tâm đến đoàn kết là tâm nguyện suốt cuộc đời chủ tịch Hồ Chí Minh, đến khi sắp qua đời, người vẫn quan tâm và căn dặn lại thế hệ sau phải giữ gìn đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình, trước hết là đoàn kết trong Đảng. Người căn dặn, đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ ngàn xưa cho tới nay phải được Đảng và nhân dân ta kế thừa và phát huy.

Kế thừa tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết, kể từ Đại hội VI đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng quan tâm đến việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Về đoàn kết và đại đoàn kết dân tộc, Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định đoàn kết và đại đoàn kết dân tộc “là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đường lối chiến lược đó nhằm “thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, người trong Đảng và người ngoài Đảng, người đang công tác và người đã nghỉ hưu, mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay ở nước ngoài”.

Tại văn kiện Đại hội lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc đã được trình bày một cách cô đọng, được Đại hội thông qua với tiêu đề: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân. Những tư tưởng cơ bản về đại đoàn kết dân tộc trong Văn kiện Đại hội X và những Đại hội về sau được thể hiện trên một số điểm chung sau:

Thứ nhất, đại đoàn kết dân tộc dựa trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam.

Thứ hai, thực hiện được đại đoàn kết dân tộc là tạo ra nguồn sức mạnh quyết định để bảo đảm thắng lợi sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam giàu đẹp, nhân dân Việt Nam ấm no hạnh phúc.

Thứ ba, lấy mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Thứ tư, xoá bỏ mọi mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp, tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc, đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội.

Đảng ta đã khẳng định, Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, bởi vậy Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân cần có những giải pháp cụ thể đối với từng giai cấp, tầng lớp và từng cộng đồng người Việt Nam để xây dựng khối đoàn kết đó. Chẳng hạn, khi nói về đoàn kết với đồng bào các tôn giáo, Đảng đã chỉ rõ: Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo; phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hoá, đạo đức của tôn giáo.

Đoàn kết và đại đoàn kết dân tộc qua tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam cho chúng ta thấy quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kế thừa và phát triển những tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết và đại đoàn kết dân tộc. Từ thực tiễn của cách mạng chống đế quốc xâm lược và thực tiễn của những năm đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng đã rút ra kết luận quan trọng: Đại đoàn kết dân tộc là nguồn lực sức mạnh, động lực chính yếu, là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

– Vai trò của Phật giáo Việt Nam trong đoàn kết dân tộc:

* Vai trò chủ thể của Phật giáo Việt Nam trong đoàn kết dân tộc.

Triết học Phật giáo nói chung và tư tưởng Phật giáo Việt Nam nói riêng đã đem đến cho nhân loại nhận diện về hòa bình, hạnh phúc an lạc thông qua thực hành những lời dạy của Đức Phật về tình thương, sự bao dung, lòng từ bi, từ bỏ tham, sân, si đi đến tình yêu thương có trí tuệ. Giáo đoàn đệ tử của Đức Phật được thành lập dựa trên nền tảng của sự hòa hợp, đoàn kết, sự bình đẳng, và công bằng trong thực hành đời sống phạm hạnh vì sự giải thoát giác ngộ, vì lợi ích cho mọi người.

Tinh thần cốt lõi đó là nền tảng cho phương châm sống “Lục hòa, cộng trụ, cùng an lạc” phù hợp với phương châm của Liên Hợp quốc trong bối cảnh xã hội hiện nay là “Đoàn kết, hữu nghị, cùng phát triển”. Nhờ những giá trị tốt đẹp của Phật giáo, năm 1999, Liên Hợp Quốc đã tôn vinh Đức Phật là nhân vật tôn giáo văn hóa điển hình của nhân loại, Nghị quyết lấy ngày Tam hợp của Đức Phật: Ngày Đức Phật Đản sanh, ngày Đức Phật thành đạo, ngày Đức Phật nhập Niết bàn là ngày Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc để cổ súy tinh thần đoàn kết, hòa hợp tôn giáo, đoàn kết xã hội… tạo sức mạnh đem lại hòa bình cho nhân loại.

Phật giáo Việt Nam luôn chủ động vận động, chủ động làm gương trong đoàn kết dân tộc,.. Trong lĩnh vực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Phật giáo Việt Nam cho thấy vị trí xứng đáng là một tôn giáo tiên phong gắn liền với tiến trình lịch sử Việt Nam, tạo được sức mạnh kết nối cộng đồng, kết nối nhiều tầng lớp, quần chúng nhân dân, ở mọi thời đại, góp phần xây dựng và hình thành, phát huy ý thức văn hoá dân tộc, tạo tiền đề, cơ hội và gợi mở một tương lai tươi sáng đối với xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để góp thêm sức mạnh cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã tích cực tham gia giải quyết nhiều vấn đề xã hội từ chính triết lý “Lục Hòa” theo lời dạy của Đức Phật. Tỏ rõ bản chất là tôn giáo hoà bình, bất bạo động, gần gũi, gắn bó với người dân, từ khi thành lập Giáo Hội Phật giáo Việt Nam năm 1981, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của các vị Tôn đức trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các cơ quan của Đảng và Nhà nước, đã khơi dậy trong Phật giáo Việt Nam truyền thống dấn thân phục vụ xã hội. Tích cực ủng hộ, các phong trào, các cuộc vận động Chính phủ, Uỷ Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát động tới đông đảo các tự viện, Tăng, Ni và Phật tử tham gia hưởng ứng mạnh mẽ những phong trào từ thiện, an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hoá mới….Triển khai và thực hiện tốt các phong trào đó, là biểu hiện của sự vận dụng triết lý nhân sinh cứu khổ cứu nạn và từ bi của đạo Phật, trước hết là việc kêu gọi Tăng Ni, Phật tử tích cực làm các công việc từ thiện như: Nuôi dạy trẻ em mồ côi, nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa, mở lớp học tình thương, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, ủng hộ đồng bào chịu hậu quả của thiên tai, lũ lụt, xây dựng nhà tình nghĩa… Nêu cao vai trò của Tăng, Ni trong việc hoà giải những vụ việc dân sự, trong việc khuyên răn Phật tử làm điều thiện, tránh điều ác, xây dựng đời sống văn hoá, tham gia phong trào xoá đói giảm nghèo. Những việc làm giàu tình người này đã lay động những trái tim nhân ái kết thành một khối sức mạnh giúp nhau vượt qua những thử thách của lịch sử.

Sự tự nguyện và dấn thân của Phật giáo Việt Nam thực hiện những hoạt động với tinh thần “Từ Bi” nhưng đầy trách nhiệm theo triết lý “Nhân Quả”, đủ cho thấy Phật giáo Việt Nam trở thành chủ thể chủ động trong đoàn kết cộng đồng vì hạnh nguyện “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật”. Hạnh nguyện cao cả đó phù hợp với các chủ trương của Đảng, mục tiêu của Nhà nước, xây dựng một đất nước tươi đẹp với cuộc sống dân giàu, nước mạnh.

Sự chủ động của Phật giáo TP.HCM trong hạnh nguyện phụng sự xã hội theo triết lý Đức Phật làm nền tảng tư tưởng. Ở khía cạnh khác trong tính chủ thể của sự chủ động đoàn kết là ở vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Vì lẽ đó sự đóng góp rất lớn vào đoàn kết cộng đồng thực hiện các chương trình thi đua yêu nước của thành phố, thể hiện vai trò làm chủ của một thành viên thuộc Mặt trận Tổ quốc thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu người có tình cảm đặc biệt đối với Phật giáo Việt Nam.

* Vai trò khách thể của Phật giáo Việt Nam trong đoàn kết dân tộc.

 Phật giáo Việt Nam là một trong số các tôn giáo tích cực tham gia thực hiện đoàn kết dân tộc theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, của các tôn giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng trong việc phát huy vai trò, giá trị tôn giáo và xã hội của chính mình dấn thân theo tinh thần: “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật”.

Trong công cuộc cách mạng của dân tộc ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với tinh thần nhập thế, Phật giáo Việt Nam đã đóng góp công sức đặc biệt qua kết nối đoàn kết tinh thần yêu hòa bình, yêu nước làm nên chiến thắng vĩ đại trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Sau ngày 30/04/1975, hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, đó là cơ hội đồng thời là động lực để làm nên sự thống nhất Phật giáo Việt Nam. Các tổ chức Giáo hội, hệ phái Phật giáo ở Việt Nam lúc bấy giờ thực hiện nguyện vọng, tâm huyết thống nhất Phật giáo mà các thế hệ tiền bối đã dày công tạo dựng. Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được tổ chức từ ngày 04 – 07/11/1981 tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội quy tụ 09 tổ chức Giáo hội để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) là tổ chức Phật giáo đại diện cho Tăng Ni, Phật tử, cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ trong nước và ở nước ngoài và hoạt động theo phương châm: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội.

Với tư cách là một trong các tôn giáo thực hiện hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, Phật giáo Việt Nam được xem là một khách thể thực hiện phong trao đó, với vai trò một khách thể bình đẳng như các khách thể tôn giáo khác, Phật giáo Việt Nam luôn là tôn giáo gương mẫu đi đầu trong các tôn giáo. Với tinh thần đoàn kết sâu rộng, Phật giáo TP.HCM đã góp phần không nhỏ trong tấm gương đoàn kết xã hội phụng sự đất nước phát triển, xây dựng thành phố xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Đại Đức Thích Như Phát

Thành viên tổ công nghệ thông tin Văn phòng 2 Trung Ương giáo Hội, Chánh Thư Ký Ban Từ thiện xã hội

Phật giáo Huyện Bình Chánh, Phó trụ trì Tu Viện Kim Cang

Học viên cao học, Học viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh

Lên đầu trang