Mới đây, một số người bức xúc phê phán lãnh đạo sở ở một tỉnh nọ đi đánh golf trong lúc địa phương phải căng mình chống dịch Covid-19 thì nhiều người khác thể hiện sự xót thương đối với Thượng úy công an Phan Tấn Tài hy sinh khi đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại TPHCM. Trên thực tế, từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở TPHCM, cả hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc một cách tích cực, quyết liệt, với tinh thần xả thân, dũng cảm. Tinh thần đó thật đáng được trân trọng, tri ân, đặc biệt là cán bộ ở cơ sở.
Lâu nay, nhiều người đã bảo: Trăm dâu đổ đầu… phường, hàm ý rốt cuộc rất nhiều việc đều đến tay cán bộ ở cấp phường bởi đây là cấp hành chính gần dân nhất. Bình thường, phường (gọi chung của phường, xã, thị trấn) phải giải quyết các yêu cầu hành chính, khiếu nại, tố cáo của người dân, thực hiện chức năng quản lý xây dựng, đất đai, bảo đảm an ninh trật tự, làm công tác thống kê, tuyên truyền, chi trả lương hưu, chế độ chính sách và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn… Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, một số công việc có giảm đi hoặc thay đổi phương thức thực hiện (chẳng hạn, giải quyết hồ sơ hành chính thông qua hình thức trực tuyến, trả hồ sơ giao tận nhà hoặc qua bưu điện chứ không giải quyết trực tiếp tại trụ sở…)
Bên cạnh việc bảo đảm các nhiệm vụ thường xuyên, trong thời gian có dịch, phường còn phải thực hiện nhiều công việc khác liên quan đến phòng, chống dịch. Chẳng hạn, khi phát hiện địa bàn có ca nhiễm, phường cử cán bộ hỗ trợ lực lượng y tế truy vết (khoanh vùng, lập phiếu mời người dân đi xét nghiệm, hỗ trợ xét nghiệm…), thực hiện cách ly, hỗ trợ điều trị (theo quy định)… Đồng thời, thực hiện phong tỏa, lập chốt phong tỏa, chăm lo đời sống người dân, hỗ trợ cung cấp hàng thiết yếu (đi chợ thay, nhận hàng thay…), hỗ trợ trực tiếp nhu yếu phẩm cho người trong khu vực phong tỏa, vận động các nguồn lực để chăm lo, tổ chức phân phối nhu yếu phẩm… Bên cạnh đó, phường triển khai đến khu phố, tổ dân phố thực hiện việc chăm lo (nhất là các khu nhà trọ), kiểm tra việc chăm lo ở từng địa bàn, đặc biệt bảo đảm nhu yếu phẩm ở các khu cách ly, tổ chức các đội tuần tra, kết nối liên lạc với bộ phận y tế để xử lý các trường hợp bệnh hoặc vấn đề về sức khỏe, kể cả việc hỗ trợ việc mai táng trường hợp tử vong…
Phường cũng là nơi trực tiếp thực hiện việc hỗ trợ người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND của HĐND TPHCM. Để có căn cứ thực hiện, phường triển khai đến khu phố, tổ dân phố (thường thông qua thành viên tổ covid cộng đồng để phát phiếu khảo sát), sau đó thu nhận phiếu và tiến hành kiểm tra, xác minh, sau đó thực hiện việc hỗ trợ. Tùy theo điều kiện cụ thể của dịch bệnh tại địa phương, phường mời đến trụ sở UBND phường, trụ sở khu phố hoặc đến tận nhà để trao; trường hợp người lao động đã rời TPHCM thì tìm cách trả qua tài khoản. Thời gian qua, nguồn kinh phí từ thành phố phân bổ để chi cho các đối tượng này hầu hết đều kịp thời; nhiều nơi thực hiện “cuốn chiếu”, lập danh sách, xác minh đến đâu thì chi ngay đến đó. Phường cũng phải giải quyết các thắc mắc, khiếu nại, hướng dẫn người dân thực hiện các yêu cầu theo đúng quy định và xử lý kịp thời các đòi hỏi chính đáng của người dân. Trên thực tế, đôi lúc có những sơ suất, nhầm lẫn, thiếu sót…, nhưng việc khắc phục hầu như đều thực hiện theo cách giải quyết ngay theo nhu cầu, quyền lợi người dân, các vấn đề khác tiếp tục được xử lý sau.
Đối với việc tiêm vaccine ngừa Covid-19, lực lượng trực tiếp thực hiện là đội ngũ y bác sĩ ở các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn nhưng luôn có sự phối hợp với chính quyền phường trong việc tổ chức các điểm tiêm. Cán bộ của phường đóng vai trò rất quan trọng trong công tác này với sự tham gia điều phối, nhập liệu, điểm danh, đối chiếu danh sách, xác định đúng đối tượng, hướng dẫn khai báo y tế, hướng dẫn ký tên đồng ý tiêm, hướng dẫn thực hiện quy trình, hỗ trợ trật tự, giữ xe… Quá trình đó luôn có sự tính toán để điều chỉnh từng khâu vào từng thời điểm cụ thể. Chẳng hạn, có phường thông báo tiêm đến từng tổ dân phố vào buổi sáng hoặc chiều dẫn đến có khi người đến đông vào đầu giờ; sau đó nhiều nơi điều chỉnh bằng cách ghi cụ thể khung giờ trong từng buổi, nhờ đó về cơ bản bảo đảm giãn cách theo quy định.
Trong việc tiếp nhận phản hồi của người dân, nhiều phường thành lập đường dây nóng về an sinh xã hội để ghi nhận các ý kiến phản ánh; đồng thời, thường xuyên tập hợp báo cáo, phản hồi của cán bộ công chức, chi bộ khu phố, các đoàn thể, ban điều hành khu phố, tổ dân phố… Trong thời gian thực hiện tiêm ngừa, nhiều phường còn có thêm đường dây nóng về y tế, phối hợp với cơ quan y tế để thành lập lực lượng hỗ trợ để trả lời các vấn đề có liên quan đến tiêm vaccine, bảo đảm 24/24.
Bên cạnh đó, việc nắm bắt thông tin trái chiều hoặc các phản ánh nhưng không theo kênh chính thức mà thông qua tin đồn, truyền miệng, mạng xã hội… được thực hiện thường xuyên thông qua lực lượng nòng cốt. Các phường bố trí người trực thường xuyên và liên tục phổ biến thông tin chính thức, hình ảnh cần lan tỏa trên mạng xã hội…
Các phường còn thực hiện việc giám sát để kịp thời phát hiện các biểu hiện không đúng quy định về phòng chống dịch (như người ra vào các nơi được kiểm soát, người ra đường ở khung giờ không phù hợp, việc buôn bán, tụ tập đông người…). Có nơi còn có cơ chế khuyến khích người dân trực tiếp phản ánh về các hiện tượng đó trên địa bàn, khi tiếp nhận phường sẽ cử người xác minh và xử lý.
Ngoài ra, thời gian qua, lãnh đạo thành phố, các ban ngành, các doanh nghiệp… thường xuyên đến thăm và tặng quà cho người dân ở các khu cách ly, khu phong tỏa, người nghèo, người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, động viên lực lượng tuyến đầu… thì các cán bộ ở phường cũng tham gia hỗ trợ, phối hợp với các đơn vị cấp trên thực hiện…
Khối lượng công việc ở các phường là rất lớn. Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, công việc lại càng lớn và trách nhiệm lại càng nặng nề. Trong khi đó, toàn bộ các lực lượng ở phường đều tham gia công tác phòng chống dịch, gồm đội ngũ cán bộ công chức, cán bộ, chiến sĩ của công an và phường đội, ban điều hành khu phố, tổ dân phố, cấp ủy các chi bộ trực thuộc… Các phường còn phải huy động lực lượng đoàn viên, hội viên nòng cốt các đoàn thể, giáo viên các trường học trên địa bàn và những người tình nguyện khác, trong đó có lực lượng tình nguyện của quận huyện, của các trường y (được phân bổ theo chuyên môn). Dù vậy, lực lượng này cũng trở nên quá tải, nhất là ở những phường đông dân cư, có nhiều người nhiễm bệnh, có nhiều khu vực bị cách ly, phong tỏa…
Hiện nay, những người trực tiếp tham gia các hoạt động phòng chống dịch ở cơ sở chưa được hưởng chế độ; nhiều nơi chỉ có hỗ trợ bữa ăn trưa từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, các đoàn thể… Dù vậy, các nơi vẫn thực hiện chấm công, điểm danh để đề xuất việc chăm lo vào một thời điểm thích hợp.
Thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 11/7/2020 quy định về chức danh, bố trí số lượng và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp phường. Nghị quyết này thực hiện từ ngày 1/1/2021 và toàn thành phố đã cắt giảm tổng cộng 2.299 người dôi dư. Do đó, ở hầu hết các phường, khối lượng công việc của các cán bộ công chức và cán bộ bán chuyên trách đều tăng lên nhưng với một số người mức thu nhập thì chưa tương xứng. Nay với dịch bệnh, áp lực công việc càng nặng nề, rủi ro lây nhiễm vô cùng lớn. Và thực tế đã có không ít trường hợp bị lây nhiễm, phải đối mặt với khoảnh khắc nguy hiểm sống còn…
Nếu đâu đó có những hạn chế, thiếu sót trong các công tác ở phường, nhất là các hoạt động liên quan đến dịch Covid-19, chúng ta nên cảm thông và chia sẻ. Ngay lúc này, ở cơ sở, nhiều người đang làm việc không phải chỉ vì vị trí công tác, vì bổn phận đảng viên, vì trách nhiệm được phân công mà trên hết là sự chia sẻ, yêu thương của những con người với nhau. Với sự xả thân, sự hy sinh lớn lao, chúng ta hãy trân trọng và tri ân họ một cách chân thành!
Trúc Giang (nguồn Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố)