Tạo môi trường thuận lợi cho người dân giám sát dân chủ ở cơ sở

áng 7-11, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết 25 năm thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tham dự có các đồng chí: Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Vũ Anh Tuấn, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Dân vận Trung ương tại TPHCM; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM.

Dân chủ ở cơ sở luôn gắn sát với thực hiện nhiệm vụ chính trị

Tại hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Mạnh Cường thông tin, qua 25 năm thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy, cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã cụ thể hóa bằng nhiều văn bản, các giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc. Qua đó đã tác động tích cực đến nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Mạnh Cường báo cáo tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo đó, dân chủ trong nội bộ cơ quan được phát huy, nhất là trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Công tác tiếp dân, đối thoại ngày càng chú trọng; khai thác hiệu quả các kênh để tiếp nhận ý kiến của nhân dân và giải quyết kịp thời các phản ánh, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Cùng với đó, hệ thống chính trị phát huy tốt đại đoàn kết toàn dân tộc, khai thác được tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia góp ý, hiến kế xây dựng Đảng, chính quyền và tích cực tham gia thực hiện các phong trào, cuộc vận động của thành phố, quan tâm chăm lo đời sống cho nhân dân, người lao động khó khăn. Điều này góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, hoạt động của HĐND các cấp ngày càng đổi mới nâng cao chất lượng; kịp thời tiếp thu và kiến nghị đến cơ quan chính quyền giải quyết các kiến nghị của cử tri, tạo được lòng tin của nhân dân.

Công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn thực hiện dân chủ ở cơ sở với công tác dân vận của chính quyền, tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng thiết thực, hiệu quả…

Hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp có đổi mới nội dung, phương thức, hiệu quả được nâng lên, phát động nhiều phong trào, cuộc vận động được sự hưởng ứng đồng thuận của nhân dân.

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường cũng cho biết vẫn còn người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cùng với đó vẫn còn thiếu sự đồng bộ trong phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính. Việc nắm và dự báo tình hình nhân dân, lắng nghe, xử lý những phản ánh của cơ sở có nơi chưa kịp thời; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có lúc, có nơi thực hiện chưa tốt…

Tạo môi trường thuận lợi cho người dân giám sát

Qua 25 năm thực hiện, Chỉ thị 30-CT/TW góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, tăng cường tạo môi trường thuận lợi cho người dân tham gia vào quá trình quản lý, giám sát, đóng góp các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế và có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy dân chủ hóa đời sống xã hội, đặc biệt là ở cơ sở.

Là một trong những địa phương điển hình trong việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị này, TPHCM đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Như, năm 1992, TPHCM khởi xướng chương trình với tên gọi đầu tiên “Xóa đói giảm nghèo”, sau đó đổi thành chương trình “Giảm nghèo bền vững”. 25 năm qua, chương trình không chỉ thay đổi cuộc sống của hàng ngàn hộ dân, mà còn khắc họa nên một nét đẹp văn hóa đầy nhân văn của người dân TPHCM.

Hay phong trào “Vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường (hẻm) trên địa TPHCM” đã thổi một luồng gió mới, mang đến những đổi thay tích cực cho diện mạo đô thị, đồng thời khẳng định sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, khẳng định rõ phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” là một trong những giải pháp tối ưu, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Hơn 20 năm qua, toàn thành phố đã thực hiện được 5.230 công trình, trong đó có 3.874 công trình mở rộng hẻm; gần 168.140 hộ dân đã hiến 5,4 triệu m2 đất, tương đương 10.050 tỷ đồng và nhân dân đóng góp thêm 458 tỷ đồng để xây dựng các công trình.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, qua triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với công tác dân vận của chính quyền, thành phố đẩy mạnh triển khai cải cách hành chính đồng bộ theo hướng vì nhân dân phục vụ, trong đó tập trung vào các lĩnh vực tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân, chăm lo, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân.

Thành phố vận hành hiệu quả, thông suốt hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia ở 3 cấp trên địa bàn. Thành phố cũng đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số trực thuộc UBND thành phố trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Công nghệ thông tin. Đến nay, thành phố hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch.

THÁI PHƯƠNG

Lên đầu trang