Công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một trong những nội dung quan trọng, trọng tâm của hệ thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam. Nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, hoạt động của MTTQ Việt Nam TPHCM trong công tác giám sát, phản biện xã hội luôn được đổi mới về nội dung và phương thức tập hợp, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến giám sát về việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại quận Bình Tân
Kiến nghị nhiều nội dung thông qua giám sát
Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM vừa tổ chức giám sát, đeo bám các cơ quan chức năng để hỗ trợ thành công một phụ nữ bị bạo hành 10 năm được ly hôn và được quyền nuôi 2 người con. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, người vợ bị bạo hành nhiều năm nhưng không lên tiếng và bị người chồng gây khó khăn trong thỏa thuận ly hôn. Từ các bằng chứng thu thập được, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, sự giám sát chặt chẽ của hội, vụ việc đã được giải quyết. Bà Nguyễn Thị Thanh Loan cho biết, 10 năm qua, hội đã tổ chức giám sát độc lập 26 nội dung, góp ý, phản biện xã hội 78 nội dung; các cấp quận, huyện tổ chức giám sát 438 nội dung, góp ý, phản biện 379 nội dung… Qua giám sát, nhiều vấn đề đã được cấp hội phát hiện, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Trong khi đó, TP Thủ Đức nằm ở vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ với hàng loạt dự án đã và đang được triển khai. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những khiếu kiện trong thời gian dài chưa được giải quyết dứt điểm. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, trong 10 năm qua, TP Thủ Đức (từ khi chưa sáp nhập 3 quận cho đến nay) và cơ sở đã thành lập 712 đoàn giám sát, tổ chức 1.432 cuộc giám sát; tổ chức 1.248 cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; tổ chức 457 hội nghị phản biện. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã giúp cho cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở nhìn nhận được những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề có liên quan đến nhân dân.
Đổi mới mạnh mẽ phương thức phản biện
Phản biện xã hội là một trong những quy định bắt buộc khi ban hành một văn bản quy phạm pháp luật. Trong lúc công tác giám sát đã được cải thiện, thì nhiều đơn vị vẫn gặp lúng túng trong công tác phản biện xã hội.
Bà Lê Thị Thu Trà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tân Bình, nhìn nhận, công tác phản biện xã hội hiện nay rất khó. Trong Quyết định 217 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội có nêu: Phản biện xã hội là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Song, ở cấp địa phương, do bị vướng về thời gian, việc chuẩn bị dự thảo của chính quyền rất ngắn, nên hầu hết chỉ đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội góp ý. Bà Lê Thị Thu Trà đề nghị sửa đổi Quyết định 217 theo hướng vừa có góp ý, nêu chính kiến về các dự thảo nhưng cũng có thể phản biện xã hội trong quá trình thực hiện.
Về nội dung này, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải đổi mới mạnh mẽ phương thức phản biện xã hội theo hướng chủ động, có trọng tâm, dân chủ, khách quan, không ngại va chạm. Việc phản biện phải tập trung vào các chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Phát huy vai trò của chuyên gia, nhà khoa học, những người am hiểu đối với các lĩnh vực phản biện xã hội để tư vấn, đề xuất trong quá trình thực hiện. Đối với các nội dung phức tạp, bức xúc trong nhân dân, những nội dung còn có ý kiến khác nhau cần thu thập thông tin, tiến hành khảo sát, tìm hiểu thực tiễn để nắm tình hình, qua đó thực hiện phản biện xã hội cụ thể, sắc nét, thuyết phục.
Theo TS Trần Tuấn Duy, Phó Trưởng Khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện Cán bộ TPHCM, cần xem xét, nâng hoạt động phản biện xã hội thành luật. Cụ thể là nghiên cứu, ban hành Luật Giám sát và phản biện xã hội, trong đó quy định hoạt động phản biện xã hội là một trong những quy định bắt buộc khi ban hành một văn bản quy phạm pháp luật.
Kết quả việc tổ chức giám sát, phản biện xã hội tại TPHCM 10 năm qua:
– MTTQ Việt Nam các cấp thành phố tổ chức 11.382 cuộc giám sát và giám sát đối với 1.843 văn bản, kiến nghị 537 nội dung.
– Ban Thanh tra nhân dân cấp phường tổ chức 6.375 cuộc giám sát; kiến nghị, phản ánh bằng văn bản 1.273 nội dung và 1.164 nội dung đã được xem xét, giải quyết.
– Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức 7.495 cuộc giám sát các công trình; kiến nghị, phản ánh bằng văn bản 629 công trình và 578 kiến nghị đã được xem xét giải quyết.
– Hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp thành phố tổ chức 703 hội nghị phản biện xã hội; phản biện xã hội thông qua hình thức gửi văn bản đối với 690 văn bản.
Nguồn: Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM
THU HƯỜNG