‘Của cho không nhiều nhưng tác dụng lại kỳ diệu: sau bữa cơm đầu cảm thấy bớt đau, không còn sợ những cơn đau như trước’, bức thư của ông cụ ở một mình tại TP.HCM được dân mạng vừa tấm tắc cảm phục, vừa xúc động.
Chị Tiểu Yến (sinh năm 1989, quay phim đám cưới tại TP.HCM) chia sẻ, bức thư trên được ông Nguyễn Mạnh Thanh ngụ ở phường 13, quận Phú Nhuận, TP.HCM gửi đến gia đình. Theo chị Yến, ông sống một mình sát vách nhà chị. Hai tuần trước, thấy ông im re không mở cửa, không đổ rác mấy ngày, cô Sen (mẹ chị) lo quá đập cửa xem có chuyện gì không. Hỏi ra mới biết, ông bệnh, không muốn ăn gì.
“Mẹ mình nấu cháo mang qua bác cũng nhất định không ăn, phải mang về. Hôm sau, nhà nấu cơm, mẹ cũng để một phần cho bác, phải nói dối là người quen gửi đồ nhờ mang qua thì bác ăn”, chị Yến kể.
Do ông Thanh lớn tuổi, bị lãng tai, giao tiếp khó khăn, cô Sen bèn viết một lá thư động viên ông. Ông đã hồi đáp bằng lá thư và chịu nhận cơm cô tặng.
Trong thư, cụ ông chia sẻ bị đau khớp kết hợp với bệnh tiền liệt tuyến từ trước nên đau nhức. Đêm ngủ chập chờn, ông chỉ uống sữa, không dám ăn khiến tiêu hóa rối loạn. Nay có cô hàng xóm cho cơm ăn, cụ cảm thấy điều kỳ diệu bởi “của cho không bằng cách cho”: sau bữa cơm đầu cảm thấy bớt đau, không còn sợ những cơn đau như trước…
“Hồi trước dịch, sáng với chiều nào ông cũng quét sân trước nhà cho hàng xóm hai bên. Mình đi đổ rác thì thấy bịch rác của ông toàn đồ vỏ hộp. Nhưng biết tính ông sống một mình, không thích nhờ cậy xóm giềng, nên thôi. Hai tuần trước, ông bệnh mới mở lòng ra một chút”, chị Tiểu Yến chia sẻ.
Tuổi Trẻ Online liên hệ với cô Mai Sen (giáo viên tiếng Anh Trường THCS Võ Văn Tần, Q.Tân Bình, đã nghỉ hưu). Cô cho hay nhà cô có bốn người, nấu thêm một chén cơm nữa cũng không sao, nên hằng ngày nấu thêm mang qua cho ông.
“Ông ăn cũng ít. Nhà cô từng chăm bố mẹ, chăm người già nên đã có kinh nghiệm. Hiện tại, nhà cô ăn gì thì ông Thanh ăn nấy. Chỉ có khi nấu gần xong thì chia ra nấu mềm hơn và nêm nhạt hơn để cụ dễ ăn”, cô Sen nói.
Cô hàng xóm kể thêm, sau khi gửi bức thư đầu, 2 tuần sau cụ ông mang dầu ăn và nước tương của nhà hảo tâm qua gửi cho cô, “coi như là góp chút ít”.
Ban đầu, cô Sen nhất quyết không nhận, nhưng sau nghĩ lại ông sẽ áy náy và không ăn nữa nên cô giữ lại và dự định hết dịch sẽ đem qua trả lại.
” Tình cảm xóm giềng cô giúp đỡ rất quý, không lời cảm ơn nào xứng đáng. Hiện nay bệnh tình tôi đã khá nhiều, đêm có thể nằm ngủ, gần hồi phục như trước khi có lệnh giãn cách 16. Nhà cũng có sẵn gạo và cá hộp, tôi có thể xoay trở được, nên quyết không dám phiền cô hơn nữa
Trong bức thư đầu tiên hồi đáp, cụ Thanh ngỏ ý không muốn làm phiền hàng xóm thêm
“Khi nhận được hai bức thư, cô rất vui, khoe các con. Mọi người đọc thấy cảm động nên đăng tải lên mạng xã hội”, người phụ nữ sinh năm 1953 chia sẻ.
Cô nhận xét, cụ ông là người tự trọng, không muốn làm phiền ai. Trước khi dịch, ngoài vấn đề đau khớp, ông vẫn có thể đi lại, ăn uống sinh hoạt bình thường và có lương hưu tự trang trải chi phí. “Gia đình cô vẫn có thể giúp đỡ, hỗ trợ ông trong lúc này”, cô nói.
Tiểu Yến cho hay, lý do chị đăng tải bức thư này vì từng câu chữ ông viết rất hay, rất xúc động, đẹp mắt dù tuổi đã cao, nên muốn mọi người cùng biết.
Chị nói: “Mình hy vọng tiếp thêm động lực để mọi người có thể giúp đỡ nhau trong mùa dịch. Không phải ai xa xôi, có thể là những bà con trong khu phố, miễn đảm bảo an toàn khoảng cách và giữ sức khỏe cho hai bên là được”.
HIỀN ANH (Báo Tuổi trẻ, chuyên mục Tình người nơi tuyến đầu chống dịch)