Hơn 3 tháng qua, từ khi dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát trên địa bàn TPHCM, nhiều người trong ngành y tế, quân đội, công an đã rời xa gia đình và người thân, hy sinh hạnh phúc riêng tư để bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch. Không ít người đã kiệt sức, ngất xỉu khi cả ngày lẫn đêm làm việc trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Thậm chí, khi người thân qua đời, vì nhiệm vụ chống dịch cần kíp, cấp bách, họ cũng không thể về nhà để thọ tang.
Thượng úy CN Nguyễn Khắc Tân thuộc đại đội Công binh, Phòng Tham mưu có cha vừa qua đời do mắc Covid – 19, bên cạnh đó còn có mẹ, vợ và 2 con nhỏ cũng mắc covid-19. Cố nén đau thương, anh bày tỏ quyết tâm cùng các đồng nghiệp chống dịch, anh trãi lòng: “Mong muốn lớn nhất của tôi là bệnh nhân sớm hồi phục để tôi được về mặc áo tang, thắp nhang cho cha”.
Điều dưỡng Hạng Mí Mua, người dân tộc Mông, quê ở Hà Giang cùng 42 y bác sĩ, điều dưỡng của tỉnh Hà Giang xung phong vào TPHCM chống dịch, hiện đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi đặt tại Trường Quân sự Bộ tư lệnh TPHCM nhận được tin dữ mẹ mất ở quê nhà. Một sự mất mát, đau đớn vô cùng to lớn của anh khi mà anh chỉ mới vào nhận nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 chưa đầy 1 tuần tại TPHCM.
Bên cạnh đó, mẹ của chiến sĩ dân quân Nguyễn Trọng Nghĩa thuộc Ban CHQS phường 10 quận Tân Bình cũng vừa qua đời do mắc Covid – 19. Dù được đơn vị giải quyết để về nhưng đồng chí đều nén nỗi đau và tình nguyện ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ được giao.
Câu chuyện của các anh đã lan tỏa thông điệp cao cả về sự hy sinh của những cán bộ, chiến sĩ LLVT, những y bác sĩ, điều dưỡng nơi tuyến đầu chống dịch.
Giữa lúc dịch bệnh cam go, dằn lại nỗi nhớ gia đình, gác lại những lo toan thường nhật, cán bộ, chiến sĩ LLVT TPHCM cùng lực lượng y bác sĩ, điều dưỡng vẫn âm thầm thực hiện nhiệm vụ với nhiều đêm trắng. Tất cả họ đều tạm gác hết cái riêng của bản thân, gia đình để lo cho cái chung của dân tộc.
Những hy sinh thầm lặng của họ đã và đang thắp lên niềm tin về ngày chiến thắng dịch Covid-19 không còn xa phía trước.