“Nay em đuối lắm rồi anh. Em muốn được nằm trong căn nhà thân yêu của mình, ăn bữa cơm canh đạm bạc với anh và con yêu; muốn được ôm anh và con của chúng mình, cho nó biết vẫn còn có mẹ; muốn chạy ngay về quê nhà An Giang để được nhìn má… Những điều đó sao giờ là quá xa xỉ anh nhỉ”. Lời nhắn của bác sĩ Diễm (Khu điều trị Covid-19, Bệnh viện Chợ Rẫy) gửi chồng, cũng là bác sĩ – thấy nhói lòng…
1. Vừa xuống ca trực, cầm chiếc điện thoại lên mở ra là một hồi tín hiệu báo tin của người thân, bạn bè nhắn hỏi. Dừng lại khá lâu trên tin nhắn số điện thoại chồng gửi: “Cố lên em. Anh và con luôn ở bên em”, bác sĩ Diễm lặng người hướng ánh mắt ra khe cửa nhỏ cuối dãy hành lang, bấm vội mấy dòng phản hồi. “Tranh thủ chợp mắt một chút đi chị”, điều dưỡng Phương ngồi cạnh nhắc bác sĩ Diễm. “Không sao, chị ngồi nghỉ một chút thôi”, bác sĩ Diễm khẽ nói.
Điều dưỡng Phương là một trong hơn 30 điều dưỡng có mặt tại tầng 1 Khu điều trị Covid-19 từ những ngày đầu đợt dịch thứ tư, làm việc liên tục theo 3 ca, 4 kíp, có ngày thời gian làm việc khoảng 12-14 giờ. Trong khi phần lớn điều dưỡng trong khu điều trị hết giờ làm việc về nghỉ tại các khách sạn, phòng trọ thuê tạm thì điều dưỡng Phương về nhà với chồng và 3 con nhỏ. Gia đình bố trí căn phòng nhỏ dưới lầu 1 để Phương nghỉ. Có hôm, 3 đứa nhỏ đi ngang qua phòng thấy đóng cửa, đứa bé nhất hơn 3 tuổi, nói nhỏ: “Hình như có cái gì đó trong này”. Đứa lớn hỏi lại: “Phòng này hình như là mẹ về ở hay sao ấy, bình thường là mở cửa, sao giờ lại đóng cửa”. Sợ các con đứng lâu trước cửa phòng không tốt, chồng chị khẽ nói: “Đâu mà có. Trời ơi, chuột đó, chuột mèo nó vô nó đóng cửa lại”. Nghe vậy, 3 anh em vội chạy lên phòng trên.
Cùng Khu điều trị Covid-19 với bác sĩ Diễm còn có điều dưỡng Hòa, có chồng cũng là điều dưỡng tên Mong ở Khoa Cấp cứu. Hai vợ chồng có một con ở nhà một mình, không biết gửi ai, vài ba ngày nhờ người quen mang đồ ăn đến nhà cho bé. Cách nhau chỉ một tầng lầu mà hãn hữu lắm 2 vợ chồng mới nhắn vội cho nhau được vài dòng hỏi thăm. Lật giở sổ đăng ký ở lại bệnh viện trong hơn 3 tháng qua, bác sĩ Diễm nói: “Khoa có hơn 60 người thì đa số đăng ký ở lại, thuê nhà gần bệnh viện cho tiện việc đi lại, tự cách ly. Cả mấy tháng nay rồi các bạn không về nhà. Điều dưỡng có thời gian làm việc trực tiếp với bệnh nhân nhiều hơn bác sĩ. Bộ đồ bảo hộ của điều dưỡng là loại cấp 4 bằng chất liệu ni lông bịt kín, mặc quá 3 tiếng là ướt đẫm mồ hôi, khó thở không sao chịu nổi. Trước khi vào ca, ai cũng phải uống từ 1,5-2 lít nước để có nước thoát ra qua mồ hôi. Nhiều người nói, điều dưỡng mặc tã là không đúng, tất cả đều tự thoát. Sau 3, 4 giờ trong phòng bệnh, bước ra là ai nấy ướt sũng từ đầu đến chân, như vừa dưới hồ nước lên…”.
Kể về công việc của các bác sĩ, điều dưỡng tại Khu điều trị Covid-19, bác sĩ Diễm nói, ai cũng như ai, vào ca là chỉ có chạy, buông tay này, chụp tay kia, giành giật từng giây sự sống cho người bệnh. Nhiều nữ điều dưỡng có dáng người nhỏ thó, ôm đỡ người bệnh nặng gần gấp rưỡi để gắn dây, thiết bị thở máy, không được để xúc nội khí quản. Rồi còn hút đàm, hút dịch trong cổ bệnh nhân.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, nhiều lần thấy bác sĩ Diễm quay mặt đi giấu giọt nước mắt vì nhớ con, nhớ người thân. Chồng bác sĩ Diễm cũng đang tham gia chống dịch. Anh là TS-BS Quang, Khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Đại học Y Dược. “Mỗi người là một hoàn cảnh khác nhau, ai cũng phải “nước mắt nuốt vào trong, nỗi buồn giấu kín”, để động viên, nắm chặt tay nhau giành giật lại sự sống cho từng bệnh nhân”, bác sĩ Diễm chia sẻ.
2. “Chị Tâm ơi, ra nhận cá về ăn nè. Cá tươi ngon lắm, ngoài phường mới gửi vào cho tổ dân phố mình”. Nghe tiếng anh Ngự, Tổ trưởng Tổ dân phố 11, phường 12 (quận 3) gọi ngoài cửa, chị Tâm giục chồng: “Anh ra lấy đi kìa, để ông tổ trưởng còn qua nhà người khác nữa”…
Những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19, không khó bắt gặp hình ảnh các tổ trưởng dân phố khệ nệ xách theo nào bó rau, thùng cá, nào bao gạo, túi quà… tới các con hẻm, khu xóm lao động trao đến tận từng hộ dân. Hầu hết tổ trưởng dân phố những tháng qua kiêm thêm nhiều công việc, không chỉ quản lý địa bàn hỗ trợ chính quyền mà còn tham gia các tổ Covid-19 cộng đồng, tổ y tế cộng đồng… Tại quận 7, hầu hết tổ trưởng dân phố là thành viên tổ y tế cộng đồng, hàng ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà có người bị F0, F1 tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng tránh và thăm hỏi sức khỏe những trường hợp trở nặng để thông báo với trạm y tế phường cho xe xuống đưa đi khu cách ly, bệnh viện điều trị.
Những ngày thực hiện nghiêm giãn cách, các tổ trưởng dân phố còn phối hợp với cảnh sát khu vực, bảo vệ dân phố đi tuần tra kiểm soát địa bàn, gác trực suốt đêm, bất kể mưa gió. Tại các khu phong tỏa, địa bàn được thiết lập “vùng xanh”, tổ trưởng dân phố tổ chức lực lượng tại chỗ, từ việc rào chắn các lối ra vào, trực bảo vệ 24/24 giờ, nắm bắt tình hình đời sống, sinh hoạt của các hộ dân trong tổ xem có trường hợp nào khó khăn cần giúp đỡ, đến kết nối với các mạnh thường quân đưa lương thực, hàng hóa thiết yếu vào các “gian hàng 0 đồng”, “tủ lạnh yêu thương”, “kệ hàng miễn phí”… Bất kể ngày hay đêm, khi người dân cần chỉ nhắn gọi đến “tổ dân phố mình” là vài phút sau tổ trưởng dân phố có mặt.
Chủ tịch UBND phường 11 (quận Phú Nhuận, TPHCM) Trần Thị Diệu Hiền nhẩm tính, trên địa bàn hiện có 77 tổ dân phố. Mỗi tổ có 1 tổ trưởng và 2 tổ phó, tính chung lại thì lực lượng tại chỗ rất quan trọng này trong phường là hơn 200 người. Chị Diệu Hiền tự hào kể đến chú Quý ở tổ 30, anh Phúc tổ 22, anh Quý tổ 30 (khu phố 3), chị Hà tổ 12 (khu phố 1)… những người mà khi bà con an tâm ở yên trong nhà chống dịch, họ vẫn có mặt lặng thầm làm những phần việc ở “tuyến đầu” trong các khu dân cư. Từ địa bàn có 23 “vùng đỏ”, đến nay, phường đã kéo giảm xuống còn 1, xanh hóa gần như toàn phường.
Tại các địa bàn nóng về dịch Covid-19 của TP Thủ Đức và các quận 7, 8, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, huyện Bình Chánh, Hóc Môn…, có hàng ngàn tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, tổ nhân dân (các huyện ngoại thành) những ngày qua luôn căng mình, bám địa bàn cùng với lực lượng tuyến đầu. Chấp nhận rủi ro có thể lây nhiễm dịch bệnh, sớm tối, mưa nắng, đi lại khó khăn, ở bất cứ nơi khó nào cần là có anh chị em. Như khẳng định của Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận Phạm Hồng Sơn: “Tận tâm, trách nhiệm, hết lòng với dân là những gì chúng ta đã thấy được ở những anh chị em tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố. Anh chị em là niềm tin, chỗ dựa ở cơ sở giúp nhân dân, giúp chính quyền trong cuộc chiến cam go, phức tạp này”.
Mỗi người một việc, dù là tuyến đầu nào thì những ngày qua ai cũng nỗ lực hết mình ở từng vị trí, chức trách công việc. Đó là nghĩa tình, là trách nhiệm đối với gia đình, cộng đồng, với thành phố thân yêu mà mình gắn bó bao lâu nay, để cùng nhau sớm đẩy lùi dịch Covid-19, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Đây cũng là mong ước của bao người trong lúc này!
HOÀI NAM (nguồn Báo SGGP)