Khi nào chính quyền kiểm soát được dịch hoặc đủ nhân lực tham gia phòng, chống dịch thì mình mới xin ngừng làm việc thiện nguyện về tiếp tục chăm lo cho gia đình. Bây giờ ai cũng ở nhà hết thì lấy đâu đủ người để mà chống dịch. Cuộc sống bao giờ mới trở lại bình thường?” – Đó là suy nghĩ chung của cánh tài xế đã và đang mong muốn đóng góp chút công sức nhỏ bé của mình vào cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” tại huyện Bình Chánh.
Sau khi viết đơn xin tham gia lực lượng phòng, chống dịch ở địa phương, cánh tài xế như anh Trương Minh Tấn (xã Tân Quý Tây), anh Trang Thanh Thơm, anh Ngô Tăng Quang (thị trấn Tân Túc) đã được chính quyền địa phương phân công nhiệm vụ cụ thể. Tất cả các anh bất kể ngày đêm, hễ có cuộc gọi từ chính quyền địa phương đều tức tốc lái xe đến nhận nhiệm vụ, nhanh chóng lái những “chuyến xe 0 đồng” chở rau củ quả hỗ trợ người dân nghèo, hộ dân bị phong tỏa, cách ly trên địa bàn huyện. Trong quá trình nhận nhiệm vụ, có anh bỏ qua bữa cơm trưa, có anh dừng bữa cơm tối, chấp nhận đi sớm về khuya với mong muốn chuyển số hàng hóa nhu yếu phẩm tới tay người dân một cách sớm nhất có thể. “Chống dịch như chống giặc”, tôi sẵn sàng tham gia làm mọi việc.
Kể từ khi Thành phố bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tài xế Trương Minh Tấn (xã Tân Quý Tây) cũng mong muốn giúp đỡ người dân, hỗ trợ lực lượng phòng, chống dịch nơi anh ở. Theo lời anh kể, những tài xế – bạn anh đang ngày đêm cầm vô lăng xe cứu thương chở người bệnh thường xuyên có bữa cơm trưa rất trễ. Nhiều người không có thời gian để lấy cơm ăn, dù đó là cơm hộp. Để chia sẻ với lực lượng phòng, chống dịch, anh Tấn viết thư xin gia nhập lực lượng phòng, chống dịch ở địa phương, đồng thời “tự nguyện không nhận lương, phụ cấp nào” trong thời gian nhận nhiệm vụ phân công. Sau nhiều ngày chuyển đơn xin tham gia lực lượng phòng, chống dịch ở địa phương, anh Tấn được UBND xã Tân Quý Tây kêu gọi hỗ trợ lái chuyến xe thiện nguyện đầu tiên. Đúng 10 giờ 30 phút, anh Trương Minh Tấn lái xe tải theo đoàn xuống Long An để chở khoảng 8 tấn thanh long về hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Trời nắng gắt, anh cùng vài thanh niên trong đoàn hì hục bưng bê hàng chục cần xé thanh long (mỗi cần xé 50 ký) đổ lên thùng xe tải. Hơn 15 giờ chiều, mồ hôi ướt đẫm, lấy tay gạt mồi hôi trên trán anh Tấn nói: “làm thì mệt thiệt đó nhưng thấy người dân tới nhận được quà là bao nhiêu cực nhọc nó tan biến hết à”. Cứ như vậy, từ ngày xin gia nhập đến nay anh Tấn đã có nhiều chuyến xe thiện nguyện chở về những tấn rau củ quả cho người dân nghèo, hộ dân sinh sống trong các khu phong tỏa, cách ly ở địa phương.
Anh Tấn nghĩ: “Đợt dịch này đã vượt quá mức chịu đựng của một số người. Dịch càng kéo dài sẽ bào mòn sức khỏe của anh em tuyến đầu chống dịch. Địa phương nào bây giờ cũng thiếu người. Bây giờ ai cũng “cố thủ” trong nhà thì làm sao đủ nhân lực phục vụ, phòng chống dịch. Nếu địa phương cần người lái xe chở rau củ quả hoặc chở các nhân viên y tế hay việc làm khác tôi cũng sẵn sàng nhận việc, kể cả lái xe cứu thương trong mùa này. Theo chủ trương của Nhà nước “chống dịch như chống giặc”, tôi sẵn sàng tham gia làm mọi việc”.
“Gia đình mình cũng đang có con nhỏ. Lo thì cũng có lo, bệnh thì cũng sợ lắm! Nhưng thử hỏi bây giờ ai cũng ở nhà hết thì lấy đâu đủ người để mà chống dịch. Cuộc sống bao giờ mới trở lại bình thường?”- anh Tấn đặt vấn đề.
Các hộ dân bị phong tỏa, cách ly khác cũng đang rất cần sự hỗ trợ như mìnhTương tự anh Tấn, anh Trang Thanh Thơm và anh Ngô Tăng Quang (khu phố 3, thị trấn Tân Túc) cũng xin tình nguyện lái những “chuyến xe 0 đồng” vận chuyển nhu yếu phẩm, rau củ quả đến tay người dân nghèo trên địa bàn thị trấn. Những ngày Thành phố thực hiện giãn cách nghiêm ngặt theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cả hai buộc phải tạm ngưng chạy xe ba gác chở thuê mỗi ngày lại. Nghĩ bản thân có phương tiện cùng thời gian rảnh rỗi, anh Trang Thanh Thơm và anh Ngô Tăng Quang quyết định gửi đơn xin tham gia lái xe, vận chuyển hàng nhu yếu phẩm đến tận tay người nghèo ở địa phương.
Theo hai anh, tuy mức sống hiện tại chỉ “đủ ăn” nhưng cả hai vẫn mong muốn được đóng góp chút ít công sức cùng chính quyền phòng, chống dịch COVID-19 ở địa phương. Theo anh Trang Thanh Thơm, trước đó nơi anh ở cũng từng bị phong tỏa, cách ly do có ca dương tính với SARS-CoV-2 Gia đình anh và các hộ dân bị phong tỏa đã từng có tâm lý hoang mang, lo lắng và mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhu yếu phẩm từ chính quyền và mạnh thường quân địa phương. Nghĩ các hộ dân bị phong tỏa, cách ly khác cũng rất cần sự hỗ trợ như mình, anh quyết định liên hệ chính quyền địa phương xin được dùng chiếc xe ba gác của mình vận chuyển từng bao gạo, thùng mì và rau củ quả đến tay các hộ dân bị phong tỏa, cách ly.
“Nhiều khi đi một ngày nhiều chuyến xe cũng hơi mệt nhưng nghĩ tới việc bà con được nhận các phần quà hỗ trợ kịp thời thì mình cũng bớt mệt hơn. Vợ mình cũng khuyên, thôi thì giúp được gì cho bà con thì mình giúp thôi. Chứ chẳng nghĩ gì hết.”- anh Thơm chia sẻ.
Còn với anh Ngô Tăng Quang (khu phố 3, thị trấn Tân Túc) dù cả ngày đã thấm mệt với những “chuyến xe 0 đồng” chở nhu yếu phẩm đến các khu phong tỏa, cách ly nhưng một khi chính quyền địa phương gọi điện nhờ sự hỗ trợ anh vẫn sẵn lòng. Có lần anh Quang phụ bốc chuyển một container khoai lang (khoảng 6 tấn) với bộ quần áo mặc trên người dính đầy sình bùn, lủi thủi đi về nhà lúc 11 giờ đêm. “Mình mẩy lúc đó rim người hết đó chứ. Nhưng nghĩ đến việc địa phương thiếu nhân lực hỗ trợ, trong khi các hộ dân nghèo, hộ dân sống trong khu phong tỏa, cách ly lại đang rất cần được hỗ trợ thì dù có mệt nhưng tôi cũng cố gắng giúp đỡ” – anh Quang cho biết.
Có thể thấy, dù mỗi người hoàn cảnh gia đình, tính chất công việc tuy có khác nhau nhưng những cánh tài xế như anh Trương Minh Tấn, anh Trang Thanh Thơm, anh Ngô Tăng Quang đều có điểm chung. Đó chính là sẵn sàng gác lại việc riêng để lo việc chung. Tin rằng với tấm lòng thiện nguyện trên, các anh sẽ được người dân huyện Bình Chánh đón nhận và biết ơn. Mong rằng khi tham gia cuộc chiến này, các anh đủ sức khỏe cùng chính quyền và nhân dân thành phố nói chung, huyện Bình Chánh nói riêng chống dịch hiệu quả.
Bài, ảnh: Chinh Nhân