Người dân TPHCM hiến gần 5,4 triệu m² đất mở rộng hẻm

Trước năm 2000, TPHCM tồn tại nhiều con đường, hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo, không đạt quy chuẩn về giao thông, mỹ quan đô thị và phòng cháy, chữa cháy. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM đề ra chủ trương vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm và phát động thực hiện rộng rãi trong nhân dân, theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Qua 20 năm thực hiện, phong trào đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực và nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.  

Ngày 14-7, TPHCM tổ chức hội nghị Tổng kết thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm trên địa bàn.

Tham dự có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.

Sự chung tay của nhà nước và nhân dân

Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Bạch Mai chia sẻ, trước năm 2000, TPHCM tồn tại nhiều con đường, hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo, không đạt quy chuẩn về giao thông, mỹ quan đô thị và phòng cháy, chữa cháy. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM đề ra chủ trương vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm và phát động thực hiện rộng rãi trong nhân dân, theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Qua 20 năm thực hiện, phong trào đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực và nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.  

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Bạch Mai báo cáo tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Để tạo được sự thành công trong phong trào, Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai đến các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp. Cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp về xã hội hóa được đề ra trong nghị quyết thành chương trình hành động, kế hoạch của từng địa phương, tổ chức thực hiện hiệu quả hàng năm. Luôn phát huy tính năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

Theo đó, phong trào vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm được thực hiện rộng khắp, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: tuyên truyền miệng, hệ thống mạng xã hội, truyền thanh, băng rôn, khẩu hiệu…; phân công đảng viên trực tiếp làm công tác vận động quần chúng, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên.

Kết quả, từ năm 2000 đến nay, toàn TPHCM có 168.139 hộ dân đã tham gia hiến gần 5,4 triệu m² đất, ước tính tương ứng số tiền hơn 10.050 tỷ đồng, phục vụ cho 5.230 công trình, trong đó 3.874 công trình mở rộng hẻm (ước tính gần 6.623 tỷ đồng), 1.237 công trình mở rộng đường (ước tính gần 3.380 tỷ đồng) và 119 công trình khác (ước tính hơn 48 tỷ đồng).Ngoài diện tích đất được hiến để thực hiện các công trình nêu trên, người dân còn trực tiếp đóng góp kinh phí để thực hiện mở đường, mở hẻm và các công trình phục vụ công cộng với số tiền hơn 458 tỷ đồng. Phong trào đã góp phần thực hiện hiệu quả công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng khu phố văn minh sạch đẹp, cải thiện môi trường sống của từng địa phương trên địa bàn thành phố.
Nhiều con hẻm được mở rộng sau khi người dân hiến đất thực hiện

“Qua 20 năm thực hiện phong trào, với những kết quả đạt được đã khẳng định phương thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” là một trong những giải pháp tối ưu, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Từ đó góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương chỉnh trang đô thị, xây dựng khu phố văn minh sạch đẹp, cải thiện môi trường sống của người dân trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp. Qua đó, nhiều hộ gia đình đã thấy được lợi ích thiết thực phong trào, việc đi lại của người dân được thông thoáng, thuận lợi hơn, công tác phòng cháy, chữa cháy được bảo đảm, đồng thời giá trị nhà, đất tăng cao, chất lượng cuộc sống của các hộ dân được nâng lên rõ rệt”, đồng chí Bạch Mai nhấn mạnh.

Vượt qua những điều khó

“Quyết định hiến đất là điều không dễ dàng đối với bất cứ gia đình, cá nhân nào bởi đó là tài sản quý giá mà ông bà để lại cho con cháu giữ gìn. Nhưng khi Đảng và Nhà nước ban hành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với vai trò là một đảng viên, là Tổ trưởng Tổ nhân dân, tôi đã động viên gia đình tự nguyện hiến đất và vận động bà con trong tổ đồng ý hiến đất để thực hiện các công trình phục vụ cho lợi ích chung của người dân”, ông Bùi Văn Đèo, ngụ ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi chia sẻ tại hội nghị.

Ông Bùi Văn Đèo phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nghĩ là làm, gia đình ông Bùi Văn Đèo đã hiến 1.350m² đất để thực hiện nhiều công trình như làm tuyến đường Võ Thị Bàn, đường Cánh Đồng Mua, đường Cánh đồng Dược và tuyến kênh Thai Thai. Qua việc tự nguyện hiến đất, ông Bùi Văn Đèo đã nhận được sự tín nhiệm của người dân và dễ dàng hơn trong công tác vận động, thuyết phục các hộ dân đồng ý hiến đất phục vụ xây dựng các công trình nông thôn mới, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, mỗi địa phương tại TPHCM cũng có những cách làm riêng trong cuộc vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm và đã đạt được những kết quả nhất định.

Là một trong những địa phương được đánh giá đi đầu trong phong trào hiến đất mở rộng hẻm, Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Trần Quang Sang cho biết, để người dân tin và hiến từng mét vuông đất, cần huy động cả hệ thống chính trị bao gồm tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị – xã hội tham gia ngay từ đầu và xuyên suốt ngay từ khâu khảo sát, xác định chủ trương đầu tư. Các dự án phải đưa ra lấy ý kiến của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân tại cơ sở về mục đích, ý nghĩa, kế hoạch cũng như thời gian thực hiện để đảm bảo quy chế dân chủ tại cơ sở, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Trần Quang Sang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngoài ra, chỉ tiêu về vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường, hẻm được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quận các nhiệm kỳ. Đồng thời, Quận ủy ban hành các Nghị quyết chuyên đề để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này. Trên cơ sở đó, UBND quận, phường xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện hàng năm với chỉ tiêu mỗi phường phấn đấu thực hiện từ 1 đến 2 dự án mở rộng đường, hẻm mỗi năm. Nhờ đó, sau 20 năm, người dân đã hiến 20.000 m² đất, trị giá khoảng 1.200 tỷ đồng để quận hoàn thành 102 công trình đưa vào sử dụng. Trong đó, có hộ dân đã hiến hơn 40m² đất để quận thực hiện mở rộng đường, hẻm. Nhờ đó đã góp phần đổi thay từ những con hẻm nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo trở thành những tuyến hẻm rộng từ 4,5 đến 8m.

Một con hẻm tại quận Phú Nhuận sạch đẹp sau khi được mở rộng

Theo Trưởng Ban Dân vận Quận ủy quận 3 Trần Thị Hường, thời gian đầu công tác vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm gặp nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả. Nguyên nhân do chưa giải thích cho người dân hiểu rõ ý nghĩa của chủ trương hiến đất mở rộng hẻm khác với giải tỏa thu hồi đất. Khắc phục khó khăn ấy, Đảng ủy, UBND các phường đã tổ chức nhiều buổi đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân về chủ trương này. Bên cạnh đó, lập các ban vận động hiến đất là những người có uy tín trong khu phố, tổ dân phố, người có uy tín trong các tôn giáo để đến từng nhà người dân lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải đáp thắc mắc của người dân. Cùng với đó, địa phương tổ chức lấy ý kiến người dân trong hẻm để thống nhất cách thực hiện cho phù hợp.

Trưởng Ban Dân vận Quận ủy quận 3 Trần Thị Hường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đặc biệt, là quận có nhiều cơ sở tôn giáo trú đóng (91 cơ sở), Ban dân vận Quận ủy quận 3 đã vận động và nhận được sự ủng hộ của chức sắc các tôn giáo. Với uy tín trong nhân dân, các chức sắc tôn giáo đã cùng chính quyền tạo sự cộng hưởng trong tuyên truyền giúp người dân thấy được lợi ích chung và tự nguyện tham gia hiến đất. Từ đó, giúp phong trào hiến đất mở rộng hẻm lan tỏa tại địa phương như ngày nay.

THU HƯỜNG – THÁI PHƯƠNG

Lên đầu trang