Lan tỏa nhân ái, nghĩa tình

Ban Dân vận Thành ủy TPHCM đã trải qua hành trình 40 năm xây dựng và hoạt động (27-11-1981 – 27-11-2021). Trong suốt chặng đường đã qua, ngành dân vận có những đóng góp thầm lặng cho sự ổn định và phát triển của thành phố. Đặc biệt, trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19 (đợt 4), chúng ta càng thấm nhận sâu sắc điều này.

Chung sức đồng lòng

Ở bất kỳ giai đoạn nào, công tác dân vận cũng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, phát huy dân chủ, huy động sự tham gia của nhân dân đoàn kết thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tại TPHCM, từ phong trào “Dân vận khéo”, đã có nhiều mô hình, cách làm hay ở các địa bàn. Các kết quả toàn diện của ngành dân vận TPHCM đã góp phần quan trọng cho sự phát triển của thành phố.

Lan tỏa nhân ái, nghĩa tình ảnh 1
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ thăm hỏi, tặng quà người dân có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 tại huyện Bình Chánh. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đặc biệt, giữa lúc thành phố bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 lần thứ 4, Ban Dân vận Thành ủy TPHCM và hệ thống dân vận các cấp đã vận động các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng cùng tham gia phòng chống dịch. Tinh thần “tương thân tương ái”, “nhường cơm sẻ áo” giúp đỡ người yếu thế, những mảnh đời khó khăn đã được khơi dậy và lan tỏa mạnh mẽ để không ai bị bỏ lại phía sau. Trong đó, từ sự đóng góp thầm lặng ngày đêm của các tổ chức, cá nhân, chỉ trong một thời gian ngắn, thành phố đã phát huy sức mạnh to lớn “khó vạn lần dân liệu cũng xong”, triển khai thần tốc các bệnh viện dã chiến, các trung tâm hồi sức với quy mô trước đây chưa từng có…

Ban Dân vận Thành ủy cũng tham mưu Thường trực Thành ủy TPHCM chủ trương vận động đồng bào có đạo tham gia hỗ trợ phòng chống dịch, góp phần giảm tải áp lực cho lực lượng tuyến đầu. Đặc biệt là việc hướng dẫn các địa phương quan tâm củng cố, định hướng hoạt động của 24.644 Tổ Covid-19 cộng đồng với 65.332 thành viên. Ngành dân vận cũng đã tham mưu cấp ủy tập trung vận động chủ nhà trọ miễn, giảm giá cho công nhân, người lao động thuê trọ gặp khó khăn. Trong đại dịch, hơn 1.000 mô hình, cách làm hay được thực hiện, nhân rộng như đảng viên giúp dân, đoàn viên, hội viên giúp nhau, hộ khá giúp hộ khó, bảo vệ vùng xanh, ATM oxy… đã hình thành tại cơ sở, góp phần quan trọng vào phòng chống dịch của thành phố.

Có thể nói, những điểm son trong công tác dân vận thời gian qua, đặc biệt là trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19, là biểu tượng sinh động cho tinh thần đoàn kết, càng làm đậm nét và lan tỏa chất nhân ái, nghĩa tình của nhân dân thành phố nghĩa tình – TPHCM. Kết quả hoạt động dân vận càng khẳng định và vun đắp mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những nỗ lực đó góp phần rất lớn cho thành quả chung trong công tác phòng chống dịch bệnh của thành phố, từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Thấu hiểu, chia sẻ

Dịch bệnh trên địa bàn thành phố đang được kiểm soát, nhưng vẫn tiềm ẩn yếu tố bất định, đòi hỏi mỗi chúng ta không được chủ quan, lơ là. Do đó, công tác dân vận sẽ phải tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K” và “thông điệp 5T”; tạo lập người dân tâm thế, thay đổi thói quen, lối sống thích nghi trong môi trường có virus SARS-CoV-2.

Thành phố đã ban hành Nghị quyết về kế hoạch tổng thể phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, hệ thống dân vận thành phố cần đề ra kế hoạch công tác trong tình hình mới với những giải pháp triển khai cụ thể trên các lĩnh vực. Đặc biệt, công tác dân vận chính quyền phải gắn với giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Để thực hiện yêu cầu đó, phải đưa ra các giải pháp thể hiện tư duy chiến lược, tổng hợp, đồng bộ chứ không cắt khúc, chia nhỏ, tránh trường hợp “khúc cua”, các “góc khuất” của chính sách, gây thêm cản trở cho việc phục hồi, phát triển kinh tế. Bởi lẽ, doanh nghiệp là yếu tố sống còn của một nền kinh tế, “sức khỏe” doanh nghiệp chính là “hơi thở” của nền kinh tế. Hiện nay, thành phố đã có các chương trình cụ thể về cải cách hành chính, đô thị thông minh, chuyển đổi số… Đó là nền tảng quan trọng để quản lý mọi việc bằng công nghệ, giảm thiểu sự can thiệp của các cá nhân, không để cảm tính hay tiêu cực chi phối. Việc đột phá cải cách hành chính thành công cũng làm gia tăng niềm tin, góp sức tháo gỡ các rào cản của phát triển, từ đó thu hút các nguồn lực đầu tư cho thành phố tăng tốc trong giai đoạn hậu Covid-19.

Mặt khác, công tác dân vận phải hướng đến các vấn đề dân sinh cụ thể của người dân, vì thực tế đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này đã gây nhiều tổn thất to lớn và làm bộc lộ rất nhiều vấn đề xã hội. Thực tế đó đòi hỏi công tác dân vận cần sâu sát, nắm bắt để đề xuất giải quyết cơ bản các bức xúc của nhân dân trên địa bàn thành phố, nhất là các nhu cầu về nhà ở xã hội, y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu…

“Những điểm son trong công tác dân vận thời gian qua, đặc biệt là trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19, là biểu tượng sinh động cho tinh thần đoàn kết, càng làm đậm nét và lan tỏa chất nhân ái, nghĩa tình của nhân dân thành phố nghĩa tình – TPHCM”

Hướng về cơ sở 


Cú sốc đại dịch đẩy nhiều người lún sâu vào khó khăn với nhiều tổn thương, nhưng không có nghĩa là cộng đồng không có sức mạnh nội tại để cùng nhau vượt qua ngặt nghèo trong và sau dịch bệnh. Giờ đây, việc trước mắt là phải củng cố, tăng cường năng lực Tổ Covid-19 cộng đồng để tăng khả năng hỗ trợ lẫn nhau, phát hiện kịp thời các trường hợp cần hỗ trợ y tế, hỗ trợ an sinh, giúp giảm tải cho chính quyền cơ sở.

Gia tăng năng lực ứng phó với Covid-19 và tiếp tục phát huy nguồn lực, tương trợ lẫn nhau để từng cộng đồng, từng cá nhân có thêm nội lực ứng phó linh hoạt với thiên tai, dịch bệnh hoặc biến cố bất thường trong đời sống xã hội hiện đại cũng là vấn đề đặc biệt quan trọng. Chỉ có sự chủ động tương trợ từ cộng đồng, xã hội cùng nguồn lực của Nhà nước mới hỗ trợ tốt cho các hoàn cảnh khó khăn. Bài học về “khơi sức dân”, “huy động nguồn lực to lớn từ nhân dân” cần được vận dụng thực hiện nhuần nhuyễn.

Hiện, TPHCM có 2.008 khu phố, ấp với hơn 13.000 tổ dân phố, tổ nhân dân. Đội ngũ cán bộ cơ sở – người gần dân nhất – chính là “mạch máu”, là cầu nối để các chủ trương, chính sách đến được với dân. Vì vậy, ngành dân vận thành phố nhanh chóng chuyển hướng mạnh về cơ sở; rà soát, kiện toàn tổ chức ở cơ sở, lấy địa bàn tổ dân phố, tổ nhân dân là nơi để người dân phát huy tính dân chủ, tự quản. Thành phố rất cần những cán bộ dân vận luôn “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Cán bộ dân vận thành phố tiếp tục dấn thân, không ngại khó ngại khổ và có trách nhiệm chung vai gánh vác việc dân với tinh thần vì dân phụng sự.

Để chủ trương, chính sách thể hiện được “ý Đảng – lòng dân”, đảm bảo thực hiện đầy đủ, thuận lợi, mang lại hiệu quả cho đời sống nhân dân, bản thân người cán bộ dân vận không chỉ vận động, thuyết phục mà còn giữ trách nhiệm giám sát, kịp thời có phản hồi, đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền về việc thực hiện chính sách trong cuộc sống.

Với truyền thống, bản lĩnh, trí tuệ và sự năng động, sáng tạo, tin chắc rằng, trong thời gian tới, đội ngũ cán bộ dân vận thành phố sẽ bám sát thực tế, lắng nghe tiếng nói nhân dân, sẵn sàng đồng hành cùng nhân dân để ngày càng có nhiều bông hoa “Dân vận khéo” nở rộ, luôn thắm đẹp và lan tỏa, cùng chung tay tạo dựng đời sống an bình, thịnh vượng cho nhân dân.

Kết nối, thông tin và tương tác nhanh nhất với người dân

Có một nghịch lý là hàng ngày người dân tiếp nhận nhiều luồng thông tin từ khắp nơi trong nước, thế giới, nhưng nhiều khi lại… không biết tình hình ngay trong khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân mình ở ra sao? Cho nên, cán bộ dân vận phải có hình thức tiếp cận linh hoạt, phù hợp hơn, như thiết lập sớm và thực hiện tốt việc truyền thông nội bộ trong các nhóm dân cư tại cộng đồng; phát huy, nhân rộng cách làm hiệu quả từ các mô hình “kết nối thông tin” đã được tạo lập ở các chung cư, ở khu phố, ấp và một số nhóm tình nguyện trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, để kết nối, thông tin và tương tác nhanh nhất với người dân.

NGUYỄN THỊ LỆ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM

Lên đầu trang