Từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã trở Thành tâm điểm về sự quan tâm của cả nước trong đại dịch Covid-19. Hàng ngày con số nhiễm Covid-19, con số mất vì Covid-19 ở Thành phố như chấn động tâm can của nhân dân cả nước. Chưa bao giờ những con đường, góc phố của Thành phố lại lạnh lẽo đến hoang tàn như vậy, chưa bao giờ người dân Thành phố lại có cảm giác giữa sự sống và cái chết mong manh đến thế.
Đã có nhiều mãnh đời chật vậy trong đại dịch vì những bữa ăn hàng ngày. Đã có rất nhiều nước mắt ngậm ngùi rơi xuống vì những hành ảnh từ biệt cõi trần khi bệnh nhân Covid-19 không qua khỏi, hay khoảnh khắc tang thương trong chặng đường cuối của những người mắc Covid-19 qua đời. Và cả những giọt nước mắt xúc động của cộng đồng sẻ chia với những xa cách, chia ly giữa thời bình: Vợ phải xa chồng, con phải xa mẹ…, để rồi có những người đã ngã xuống, có những người con không thể về nhà chịu tang và tiễn biệt cha/mẹ về cõi vĩnh hằng.
Có đi qua những hiểm nguy mới thấu hiểu những giá trị của sự bình yên. Có chứng kiến những mất mát, đau thương, khó khăn, căng thẳng kéo dài của Thành phố trong thời gian qua mới cảm nhận đủ đầy và yêu thương để sẻ chia với nhân dân Thành phố. Và cũng chính từ đó, càng trân trọng hơn những vất vả, gian khổ, hy sinh của đội ngũ cán bộ cơ sở ngày đêm căng mình chống dịch trên địa bàn Thành phố trong những ngày đau thương này.
Trong các cuộc kháng chiến trước đây, chúng ta thường nghe đến từ “Pháo đài” và hiểu rằng, đây là nơi kiên cố để bảo vệ vững chắc khu vực, địa phương nào đó. Hiện nay trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 một lần nữa lại thử thách bản lĩnh, sự gan góc, kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam, với tinh thần đoàn kết, “chống dịch như chống giặc”, mỗi xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là trung tâm, chủ thể để phòng, chống dịch đã mang lại hiệu quả bước đầu khá thiết thực.