Chiều 24/9, Quận ủy Quận 10 tổ chức hội nghị tổng kết 25 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Lê Văn Minh, Thành uỷ viên, Bí thư Quận ủy Quận 10.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường và đồng chí Lê Văn Minh trao GIấy khen của Quận ủy Quận 10 cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW.
Vận động Nhân dân hiến 831,6m2 đất mở rộng hẻm
Theo báo cáo của Quận ủy Quận 10, qua 25 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, 5 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW và Thông tri số 09-TT/TU trên địa bàn Quận 10, việc xây dựng, triển khai, thực hiện dân chủ ở cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân về dân chủ và thực hiện quyền dân chủ; phát huy quyền làm chủ của nhân dân có những chuyển biến tích cực; tinh thần đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo của các cấp ủy Đảng được phát huy và khẳng định việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có ý nghĩa và tầm quan trọng.
Cụ thể, các chủ trương, chính sách, các quy định tại địa phương như: di dời, giải tỏa, tái định cư các hộ chung cư; xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, mở hẻm, mở đường, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, xóa đói giảm nghèo, công tác từ thiện xã hội, các thủ tục hành chính, các khoản thu, chi… được thông báo và công khai cụ thể đến các tầng lớp nhân dân; đã thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ đó, ý thức tự giác của người dân từng bước được nâng cao hơn trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân. Đối với cán bộ công chức, cán bộ chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã có những bước chuyển biến tích cực hơn về phong cách, thái độ làm việc theo hướng gần dân, trọng dân, gắn thực hiện quy chế dân chủ với cải cách hành chính.
Đáng chú ý, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã có tác động mạnh mẽ đến các cuộc vận động, các phong trào hành động cách mạng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Nội dung của phong trào, các cuộc vận động ngày càng được nâng lên về chất, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên, các giới và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia, góp phần giải quyết kịp thời những khó khăn, bức xúc của người dân.
Thông qua thực hiện dân chủ ở cơ sở, hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội được củng cố, kiện toàn về tổ chức và nhân sự; phát huy tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đoàn viên, hội viên và nhân dân. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội đã góp phần tăng cường sự phối hợp thống nhất hành động giữa các thành viên của Mặt trận, phát huy dân chủ và tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, nhất là ở cơ sở.
Một trong những kết quả tiêu biểu là từ những nội dung dân bàn và quyết định, đến nay toàn quận đã thực hiện hoàn thành nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang 180 tuyến hẻm trên địa bàn quận với nhiều hình thức vận động, tổng kinh phí thực hiện 78 tỷ đồng; vận động nhân dân hiến đất để mở rộng hẻm với tổng diện tích được nhân dân hiến đất là 831,6m2, ước tính số tiền thực hiện 139,723 tỷ đồng.
Tăng cường đối thoại tháo gỡ khó khăn từ cơ sở
Chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW; Kết luận số 120-KL/TW và Thông tri số 09-TT/TU, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy Quận 10 Nguyễn Trường Sơn cho biết, để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, quán triệt và thực hiện các quan điểm của Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; cần đổi mới hình thức, phương thức tổ chức thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, đưa việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trở thành nhiệm vụ thường xuyên gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng với đó là phát huy vai trò, trách nhiệm của Cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; quan tâm chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện dân chủ gắn với việc thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, các quy định của pháp luật; nêu cao tinh thần phục vụ, tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường đối thoại tháo gỡ khó khăn từ cơ sở, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Theo đồng chí Nguyễn Trường Sơn, cần thường xuyên gắn thực hiện dân chủ ở cơ sở với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, phát triển kinh tế xã hội, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Đặc biệt, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo thực hiện và vận động nhân dân thực hiện dân chủ trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương; phải gắn thực hiện quy chế dân chủ với việc đảm bảo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; phát huy dân chủ cần đi đôi với đề cao kỷ cương phép nước; tránh dân chủ hình thức.
Đối với MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội, tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền giáo dục để hội viên, đoàn viên, các giới, các tầng lớp Nhân dân hiểu và thực hiện đúng các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân trong Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; cần phát huy có hiệu quả vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích thiết thực của người dân.
Một trong những nội dung khác là phát huy vai trò của Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp trong việc hướng dẫn, đôn đốc và thường xuyên tham mưu cho cấp ủy kiểm tra, giám sát trong lãnh đạo, triển khai, tổ chức thực hiện; kịp thời bổ sung, kiện toàn nhân sự Ban chỉ đạo và phân công cấp ủy phụ trách.