Đó là câu chuyện của F0 Hà Ngọc Trường (sinh 1993, trú quận 1, TP.HCM). Sau 30 ngày ở BV Điều trị Covid Củ Chi, Trường khỏi bệnh nhưng chưa chịu về nhà mà ở lại BV phụ NVYT chăm sóc các F0 khác hơn 20 ngày qua.
“Hồi lên khu ICU (hồi sức cấp cứu) nằm, em thấy bác sĩ, Nhân viên y tế (NVYT) làm không ngơi tay. Họ mặc đồ bảo hộ suốt, loay hoay giữ mạng cả trăm người quá khó thở như em. Phải 3- 4 tiếng đồng hồ làm không ngơi tay họ mới nghỉ được tý xíu để uống chút nước rồi lao vào làm tiếp. Em vừa cảm phục vừa thương các bác sĩ, NVYT”- Trường bày tỏ cảm xúc của mình.
Khi đã nhẹ bệnh, được chuyển xuống trại gần khu vực chạy thận nhân tạo, Trường lại chứng kiến sự tất bật của NVYT, sự cô đơn của những người nhiều tuổi mắc Covid-19 phải chạy thận để giữ mạng sống.
“Trên ICU thương NVYT, xuống đây thương thêm người bệnh Covid-19 nhiều tuổi nữa, em nghĩ trong bụng sẽ ở lại phụ BV. Trời thương cho em khỏe lại mấy ngày sau đó, nên em xin BS. Xuân- Giám đốc BV cho em được ở lại phụ chăm sóc bệnh nhân. Mới đầu còn lúng túng một chút, mấy ngày sau làm nhuyễn mứt, được BS. Xuân khen”- Trường cười.
“Cựu F0” Hà Ngọc Trường được BV Điều trị Covid-19 bố trí phòng riêng. Hằng ngày, Trường mang khẩu trang kín kẽ, đeo găng tay cẩn thận để phụ NVYT chăn sóc các “tân F0” nhập vào BV, gần khu chạy thận nhân tạo. “Tính từ lúc nhập viện điều trị và khỏi bệnh ở lại đây luôn là em đã qua hơn 50 ngày. Hơn 20 ngày khỏi bệnh và được giúp BV, em thấy vui vì san sẻ được chút ít với các bác sĩ, NVYT”- Trường trải lòng.
Theo BS. Trần Chánh Xuân- Giám đốc BV Điều trị Covid Củ Chi, hiện có khoảng 5 tình nguyện viên từng là F0 điều trị tại đây như Hà Ngọc Trường. “Khỏi bệnh là họ xin ở lại phụ BV chăm sóc F0 luôn”- BS. Xuân nói. Do huyện Củ Chi quá xa trung tâm TP.HCM, nên BS. Xuân và các đồng sự nỗ lực “bao sân” cả 4 tầng điều trị theo tháp điều trị 5 tầng của ngành Y tế TP.HCM, để hạn chế tối đa trường hợp chuyển độ nặng.
“Vì vậy, lực lượng y tế tất bật dữ lắm. Có anh chị em khỏi bệnh tình nguyện ở lại phụ giúp chăm sóc, NVYT thêm thời gian tập trung chuyên môn cứu chữa các ca nặng”- BS. Xuân chia sẻ. Được biết, BV Điều trị Covid Củ Chi còn sáng tạo khi lập ra “tổ tự quản” trong mỗi khu vực. Theo đó, F0 nào còn di chuyển tốt thì được NVYT tập huấn các kỹ năng chăm sóc cơ bản, kể cả đo đồng độ ô-xy với thiết bị SPO2…
“Lực lượng y tế đâu thể lúc nào cũng cận kề bệnh nhân. Nên tổ tự quản sẽ là cánh tay nối dài để phát hiện kịp thời các thay đổi bất thường nơi bệnh nhân trong khu vực của mình quản lý, kịp báo bác sĩ, NVYT xử trí. Từ lúc có tổ tự quản và những bệnh nhân khỏi bệnh tình nguyện ở lại, các bác sĩ và NVYT nhẹ áp lực công việc rất đáng kể”- BS. Xuân chia sẻ thêm.
BV Điều trị Covid Củ Chi là cơ sở y tế chuyển đổi công năng đầu tiên ở TP.HCM. Hiện nơi đây có 20 giường hồi sức cấp cứu bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra với các thiết bị thở máy xâm lấn và lọc máu, BV đang điều trị tại chỗ đến tầng thứ 4 trong tháp điều trị 5 tầng, chỉ còn thiếu chuyên gia và thiết bị ECMO mà thôi. Hiện BV đng điều trị 475 F0 vừa và nặng, trong đó có 12 ca nặng đang thở xâm lấn, 18 ca đang thở không xâm lấn.
Đỗ Bá