Công bố giá 3 sản phẩm thuốc Molnupiravir trị Covid-19 sản xuất trong nước

Chiều 23-2, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã chính thức công bố giá bán thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 được sản xuất trong nước.

Theo đó, thuốc Molravir 400 (400 mg) dạng viên nang cứng do Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất có giá là 11.500 đồng/viên. Dạng hộp có  loại  1, 2 và 5 vỉ (10 viên/vỉ).

Thuốc Movinavir (200 mg) dạng viên nang của Công ty CP hóa dược phẩm Mekophar có giá 8.675 đồng/viên. Dạng hộp 10 vỉ x 10 viên.

Thuốc Molnuporavir Stella 400 (400 mg) dang viên nang cứng của Công ty TNHH liên doanh Stellapharm- chi nhánh 1 có giá 12.500 đồng/viên, mỗi hộp 1 vỉ hoặc 2 vỉ x 10 viên.

Mới đây, Cục Quản lý Dược đã cấp giấy đăng ký lưu hành 3 loại thuốc chứa Molnupiravir được sản xuất tại Việt Nam cho điều trị bệnh Covid-19, gồm: Molravir 400 hàm lượng Molnupiravir 400 mg, dạng viên nang cứng, tuổi thọ 6 tháng, do Công ty CP dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất; Movinavir hàm lượng 200 mg Molnupiravir, dạng viên nang cứng, tuổi thọ 6 tháng, do Công ty CP hóa dược phẩm Mekophar sản xuất; Molnuporavir Stella 400 hàm lượng 400 mg Molnupiravir, dạng viên nang cứng, tuổi thọ 8 tháng do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm- chi nhánh 1 sản xuất.

Công bố giá 3 sản phẩm thuốc Molnupiravir trị Covid-19 sản xuất trong nước  ảnh 1
Một loại thuốc Molnupiravir sản xuất trong nước

Việc cấp phép cho 3 loại thuốc trên có hiệu lực 3 năm. Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở sản xuất, đăng ký thuốc sản xuất theo đúng hồ sơ, tài liệu đăng ký với Bộ Y tế; phối hợp với các cơ sở điều trị thực hiện đúng các quy định hiện hành về thuốc kê đơn, theo dõi an toàn, hiệu quả, tác dụng không mong muốn của thuốc trên người Việt Nam và tổng hợp, báo cáo theo quy định. Đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo cho cơ sở khám chữa bệnh, các cán bộ y tế, cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn thông báo cho bệnh nhân về các lợi ích, rủi ro khi sử dụng thuốc, các phương pháp điều trị, các thuốc khác có thể thay thế Molnupiravir trong điều trị Covid-19.

Đồng thời yêu cầu các đơn vị tăng cường theo dõi, giám sát, phát hiện các trường hợp xảy ra phản ứng có hại của thuốc (nếu có), gửi báo cáo về Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (ở Hà Nội) hoặc Trung tâm khu vực về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (ở TPHCM) theo quy định.

QUỐC LẬP

Lên đầu trang