Chung nhịp đập nhân ái

Không phải đợi đến bây giờ thì TPHCM mới là mảnh đất của nghĩa tình, của sự san sẻ, tương trợ nhau. Nhưng trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, cuộc sống đầy nhọc nhằn thì tình người càng biểu lộ một cách đầy đủ, thiết thực.

Giữa cái nắng nóng gay gắt, trên nhiều tuyến đường ở TPHCM như Nguyễn Thị Minh Khai, Tôn Đức Thắng (quận 1), Võ Văn Tần, Võ Thị Sáu (quận 3)…, cứ cách chừng vài cây số lại hiện diện một “bình nước 0 đồng”. Có bình đặt ở ngã ba, ngã tư hay ven đường; hoặc đặc biệt được thiết kế thành một trạm nước miễn phí che chắn bởi chòi lá phủ giàn bí xanh tươi. Đó gần như là điểm dừng chân nghỉ mệt, giải cơn khát giữa cái nắng như thiêu đốt của những nhân viên giao hàng, người chạy xe ôm, bán vé số, ve chai…

Hay gần giao lộ Nguyễn Văn Bứa – quốc lộ 22, thuộc địa bàn huyện Hóc Môn, vài tuần nay xuất hiện chiếc tủ “thần kỳ” chứa bánh mì, mì gói, nước uống, sữa… Chẳng biết ai đã nghĩ ra sáng kiến và đặt chiếc tủ ở đây, nhưng với câu “thần chú” ghi rõ: “Ai cần lấy, dư bỏ vào”, chiếc tủ luôn có đủ thức ăn, nước uống giúp người qua đường thấy ấm lòng.

Hơn 150 phần cháo thịt ngon được trao đến người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện TP Thủ Đức và thân nhân người bệnh vào sáng 14-4

“Khu vực tặng rau miễn phí, ai cần cứ đến lấy!”, “Ai cần cứ đến lấy, lấy đủ ăn, không lấy quá nhiều, ngày mai có tiếp” là tấm biển cắm ngay vựa nông sản Cúc Còi (phường 10, quận 3), vốn ra đời từ trong đại dịch Covid-19, nay tiếp tục tặng rau củ miễn phí cho công nhân, sinh viên, người lao động khó khăn. Nguồn rau củ được anh Nguyễn Văn Ngọc mua từ nhà vườn ở Hóc Môn, đem về vừa bán vừa cho, thấy giúp được cho bà con nghèo nên anh tự nguyện làm.

Mới đây, tại quận 5, Ủy ban MTTQ quận và Họ đạo Cao Đài Sài Gòn quận 5 đã lấy ý tưởng từ phong tục “phiên chợ lá” của Tây Ninh để tổ chức một phiên chợ tương tự cho bà con trong quận. 5.000 lá bồ đề đã được phát ra cho người dân. Mỗi người được nhận 5 lá để trao đổi các món ăn, thức uống, nhu yếu phẩm.

Không chỉ quan tâm, chia sớt cho nhau những món quà vật chất cụ thể, nhiều nhóm cộng đồng, tổ chức đã ra đời, trở thành điểm nương tựa, hỗ trợ sinh kế để người cơ nhỡ, lầm lỡ có cơ hội vượt qua cơn khốn khó, cùng quẫn. Mái ấm Mai Tâm ra đời gần 20 năm như một “ngôi nhà chung” chở che những đứa trẻ mồ côi do những người mẹ có HIV/AIDS qua đời và cho chính những người mẹ.

Ngoài việc điều trị sức khỏe và chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ, mái ấm còn chăm lo sức khỏe tinh thần – giáo dục, trang bị cho trẻ có HIV/ADIS những kiến thức, kỹ năng cần thiết để hòa nhập cộng đồng; dạy chữ, dạy nghề để giúp các em có thể tự tin, tự lập lo cho bản thân và gia đình sau này. Riêng các bà mẹ đơn thân sống ở mái ấm còn được hỗ trợ học nghề và làm việc trong Xưởng may Mai Tâm.

Đã là tập tính của một vùng đất nên cho dù là cư dân nhiều đời hay người mới nhập cư, không chỉ người giàu mà cả người còn kiếm sống vất vả vẫn cùng chung một lẽ sống, đó là chung tay hỗ trợ người nghèo, người gặp khó khăn ở khắp mọi miền. “Của cho” thì đa dạng, phong phú và luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. “Cách cho” thì đơn giản, trực tiếp đến những người cần nên dễ lan tỏa trong cộng đồng, nhiều người cùng chung tay góp sức.

Chỉ cần có tấm lòng, dù giàu hay nghèo cũng cùng chung một nhịp đập: quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo khó hơn mình, như mình để xã hội ngày một nhân ái, tốt đẹp hơn.

CHÍNH TÂM

Lên đầu trang