‘Tân ơi, Tân ơi, đi cấp cứu F0 với chị. Hẻm 34/18 đường Bình Tây. Nhanh lên Tân ơi’. Vừa dứt cuộc điện thoại, giọng cử nhân điều dưỡng Đào Thị Kiều Vân – trạm trưởng Trạm y tế phường 1 (quận 6, TP.HCM) – gấp gáp…
Vừa ăn vội hộp cơm chưa kịp nghỉ ngơi, bác sĩ Nguyễn Duy Tân (học viên cao học Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng) nhanh chóng mặc đồ bảo hộ, ôm bình oxy cùng đồng nghiệp phóng xe máy đến hẻm 34/18 đường Bình Tây, nơi có bệnh nhân đang lên cơn khó thở. Đây cũng là gia đình đang có tới 6/7 người dương tính với COVID-19 cách ly điều trị tại nhà nhiều ngày qua.
Mất gần 10 phút chạy xe gắn máy, rồi ôm bình oxy chạy bộ len lỏi qua con hẻm ngoằn ngoèo, cuối cùng bác sĩ Tân cùng đồng nghiệp Lại Minh Tâm (sinh viên năm thứ 6 của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) mới tới nhà người bệnh.
“Bệnh nhân ở đâu ạ?”. “Lầu 2”. Ngay lập tức, bác sĩ Tân ôm bình oxy phóng lên tầng 2. Người đàn ông ngoài 50 tuổi nằm trên giường, tỏ vẻ khá mệt mỏi. Mất khoảng 20 phút thăm hỏi, hướng dẫn người bệnh tư thế nằm thở, bác sĩ Tân thở phào bởi tình trạng của người bệnh chưa đến mức phải can thiệp cấp cứu.
Tiền sử bệnh nền cộng với mất vị giác khi mắc COVID-19 khiến bệnh nhân không thể ăn uống được mấy ngày nay, dẫn đến sức khỏe suy kiệt. Sau khi được hướng dẫn tư thế nằm thở nghỉ ngơi, cho thở oxy và uống nước, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định trở lại, chỉ số SpO2 tăng lên 92%.
Trong cùng buổi sáng, bác sĩ Tân cùng nhân viên y tế của phường đã kịp thời cấp cứu một ông cụ 75 tuổi sống một mình khi đang mắc COVID-19 kèm bệnh lý nền phổi tắc nghẽn mãn tính.
“Tiên lượng của ông cụ rất nặng, nếu không được can thiệp sớm có thể chiều hoặc tối nay sẽ suy hô hấp rất nguy hiểm cho tính mạng”, bác sĩ Tân nói. Nhờ sự can thiệp này mà chiều cùng ngày ông cụ được kết nối để vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM điều trị.
Được điều động từ Hà Nội vào TP.HCM ngày 22-8, và chỉ mới đặt chân đến Trạm y tế phường 1, quận 6 sáng nay 23-8, bác sĩ Tân cùng hai học viên của Học viện Quân y đã lao vào “cuộc chiến” thực sự.
Chỉ trong một buổi sáng, họ thay nhau gọi điện tư vấn sức khỏe cho khoảng 70 bệnh nhân mắc COVID-19; tham gia đội lấy mẫu cho khoảng 300 người dân và cấp cứu thành công 2 trường hợp F0 tại nhà có dấu hiệu trở nặng.
Cử nhân điều dưỡng Đào Thị Kiều Vân – trạm trưởng Trạm Y tế phường 1, quận 6 – cho biết hiện trên địa bàn phường có khoảng 220 ca F0 đang điều trị tại nhà, đòi hỏi nguồn nhân lực để tư vấn, chăm sóc rất lớn.
Với nguồn nhân lực chỉ có 4 nhân viên y tế như hiện tại không thể đủ đáp ứng nhu cầu. Đó cũng là hạn chế khiến việc chăm sóc bệnh nhân chưa đạt như mong muốn.
“Kể từ đầu mùa dịch, chúng tôi phải gánh trên vai rất nhiều áp lực, như vừa nghe điện thoại tư vấn, vừa cấp cứu, vừa tiêm ngừa… Nhưng chỉ mới một ngày các bạn có mặt, với chuyên môn, sức trẻ và sự xông xáo, mọi công việc đều được vận hành rất trôi chảy. Tôi có niềm tin công tác phòng chống dịch sẽ sớm mang lại hiệu quả tốt đẹp”, chị Vân bộc bạch.