Một ngày “tác chiến” của đội hình ATM Oxy cứu trợ

Làm việc trong đội hình ATM Oxy trực thuộc quận 4, những tình nguyện viên như Phúc Nguyên, Nguyên Hà, Văn Khoa…gần như phải “chạy đua” với thời gian để cùng bệnh nhân giành lại sự sống.

Nguyên Hà (phụ trách trực tổng đài) gắn bó với đội hình ATM Oxy quận 4 từ những ngày đầu được thành lập. Có ngày, chị tiếp nhận hơn 100 cuộc gọi. “Nếu có đủ bình cung cấp oxy, chúng mình phải giao từ 70 đến 100 đơn một ngày. Lượng đặt sẽ rất nhiều nên tụi mình cần sàng lọc lại những trường hợp cấp bách hơn. Có trường hợp tụi mình cần nhanh trí, xử lí linh hoạt theo nhiều cách hoặc cho số điện thoại y tế phường để người dân liên hệ”, Hà cho biết.

Ngoài tiếp nhận các đơn chủ yếu ở quận 4, Nguyên Hà còn nhận đơn từ nhiều quận lân cận nếu họ đang cấp bách mà ATM Oxy ở quận đó quá tải và cần mình tiếp trợ. Hà nhớ lại hai ngày trước có nhận đơn của một chị ở quận 1 gọi đến lúc 11 giờ đêm. Chị khóc bù lu bù loa trong điện thoại cầu cứu vì người thân sắp hết oxy. Lúc đó tất cả người trong đội oxy của quận 4 đều đã đi giao bình oxy. Bệnh nhân đang thoi thóp, lực lượng không còn ai. Anh Trần Mai Chí (Bí thư quận Đoàn 4) quyết định: “Để anh đi!”.

Tuy nhiên đó cũng chưa là trường hợp căng thẳng nhất mà Nguyên Hà trải qua. Hà kể: “Có những lúc tụi mình đã cố gắng hết sức để giao, nhưng khi đến nơi người ta chỉ vừa kịp thở 1, 2 phút là họ mất. Cách nay vài ngày, mình đã tiếp nhận và cho người chạy giao oxy ngay chỉ trong vòng 5 phút. Nhưng khi đến, người nhà xua tay bảo tụi mình trở về đi, bệnh nhân chết lâm sàng rồi. Những lúc này, dù tất cả đã cố gắng hết sức nhưng bản thân mình vẫn cảm thấy áy náy tội lỗi vô cùng, thật khó diễn tả”, Nguyên Hà ngậm ngùi.

Căng thẳng là vậy Nguyên Hà vẫn không cho phép bản thân ngừng lại dù chỉ là giây phút. Vì phía trước vẫn còn rất nhiều cuộc gọi, gia đình F0 đang cần tiếp oxy. Hà khẳng định: “Tụi mình giao là xuyên đêm, bất kể giờ giấc chỉ cần có bình oxy, có lực lượng tụi mình đều sẵn sàng nếu có cuộc gọi”.

Có một số trường hợp lúc gọi đến cho Nguyên Hà đã trong trình trạng khá nguy kịch, trên đường đồng đội mang bình oxy đi giao, ở nhà Nguyên Hà liên tục nhận được tin nhắn của chị bệnh nhân gửi đến cho mình:

– “Em ơi oxy đến chưa, chị khó thở quá”.

– “Em ơi chị tê hết người rồi…”

Nhưng sau khi giao xong Hà liền nhận được tin nhắn từ chị: “Cảm ơn tụi em đã cứu chị” khiến mọi áp lực đè nặng trong lòng của Hà liền nhẹ nhõm.

Trong một lần khác Nguyên Hà lại tiếp nhận đơn là 2 gia đình đều gần nhà nhau. Hà nhớ lại: “Trong đó có một chị từng nhận bình oxy từ chúng mình từ tối hôm qua và vẫn còn, đến 2 giờ chiều hôm sau chị lo lắng muốn trữ thêm oxy phòng ngừa. Trong khi đó nhà hàng xóm của chị lại lần đầu tiên cần cấp cứu oxy. Lúc này trạm ATM Oxy của quận 4 vừa hết và đang chờ tuyến trên giao xuống. Vì quá khẩn cấp mình phải giải thích và vận động chị hãy chia sẻ oxy ở nhà mình cho hàng xóm ngay, nếu gia đình chị chưa thật sự cần thiết và chị đã đồng ý”.

Là người trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ mang bình oxy đến cho các gia đình có người bệnh cần cấp cứu, Lê Văn Khoa (thành viên đội hình ATM Oxy quận 4) đôi khi còn kiêm luôn việc hướng dẫn người nhà cách sử dụng, mang vào cho người bệnh dùng ngay.

Những ngày đầu mới triển khai, chưa có đủ lực lượng, Khoa phải choàng gánh phần lớn thời gian, làm từ sáng tới tận khuya. “Một ngày của mình sẽ bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm. Những ngày gần đây, lực lượng đã được bổ sung thêm, mình và đồng đội cùng chia ca ra với nhau, khoảng 6 đến 8 tiếng một ca. Trung bình một ca mình sẽ giao khoảng 40 bình oxy, cao điểm gần 100 bình. Hiện tại mình ở luôn Quận đoàn 4 và làm xuyên đêm”, Khoa cho biết.

Dù đã cố gắng bất kể thời gian, giờ giấc nhưng đôi lúc Khoa vẫn bị “chậm tay”. Khoa kể: “Người ta gọi đến xin thay bình oxy mới là mình đi ngay. Trên đường chạy đến thì người bệnh đã không qua khỏi. Tới nơi được người nhà báo: Trễ rồi em, người bệnh họ mất rồi… Những lúc này cảm giác trong mình có gì đó thắt nghẹn, khó tả. Một số trường hợp do bệnh nhân cũng đã trở nặng lắm rồi tuy mình giao kịp nhưng chẳng thể cứu sống được họ”.

Cũng có trường hợp khác, bệnh nhân là một bác lớn tuổi bệnh già, lúc đó phải cấp cứu ngay nhưng y tế phường không qua kịp, cần hỗ trơ oxy khẩn cấp trước. Khoa nhớ: “Mình liền vác bình oxy chạy đến nhà của bác, khoảng 2 tiếng sau người nhà báo lại bác đã khỏe, qua ngày hôm sau mình quay lại lấy bình oxy mang về, lúc này còn nhìn thấy bác đi ra cửa nói chuyện với mình nữa, vui lắm.

Nhà nọ họ là trường hợp đặc biệt, bệnh nhân không dùng oxy mức bình thường mà dùng mức mạnh, khoảng một tiếng là hết bình và mình phải chịu khó đi giao cho gia đình đó liên tục, giao luôn trong đêm nên họ cảm ơn nhiều lắm, đến mức quen mặt. Và cũng là gia đình đó trong hôm qua họ gọi mình đến để trả bình bình dứt điểm, không nhận bình mới nữa vì bệnh nhân đã khỏe hẳn, mình nghe mà mừng rớt nước mắt”.

Vừa giải quyết xong trường hợp này, chuông tổng đài lại reo lên, Nguyên Hà liền bắt máy tay phải cầm ngay giấy bút trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận. Thật may sau những cuộc gọi căng thẳng đến “nghẹt thở”, lần này cuộc gọi đến là những lời cảm ơn từ phía người nhà bệnh nhân. Hà chia sẻ: “Không chỉ có cuộc gọi, mình còn thường xuyên nhận được các tin nhắn như: ‘Em cảm ơn anh chị rất nhiều, em đã nhận được bình oxy rồi… Tôi cảm ơn rất nhiều nhờ anh chị mẹ tôi đã khỏe trở lại… Cảm ơn em không ngại đêm khuya giao oxy đến gia đình anh…’ Đó chính là động lực để giúp mình tiếp tục với công việc này”.

Đôi lúc do người ta nôn nóng, nên thường xuyên lớn tiếng quát mắng Khoa – Hà bằng nhiều lời lẽ rất nặng. “Nhưng dù thế nào chúng mình phải cố gắng giao sớm nhất có thể, để hạn chế tối đa xảy ra trường hợp bệnh nhân không chờ kịp”, Khoa chia sẻ.

Anh Lê Phúc Nguyên (Chánh Văn phòng Quận Đoàn 4, phụ trách đội hình ATM Oxy quận 4) cho biết: “Đội hình được thành lập từ ngày 4/8 và hoạt động đều đặn đến hiện tại. Đội hình có 3 bộ phận: Trực tổng đài có 5 bạn thay nhau trực 3 ca 1 ngày. Đội hình viết biên nhận xuất kho có 2 bạn. Và cuối cùng là đội hình đi giao được chia thành 3 ca trực, trung bình 1 ca có 6 bạn. Từ khi mình phụ trách đội hình ATM Oxy này, có nhiều cảm xúc vui buồn liên tục, vui là khi hỗ trợ oxy đúng đối tượng và họ phục hồi mình cảm thấy công việc rất ý nghĩa. Bên cạnh đó nhiều hộ gia đình chưa hiểu rõ mục đích của chương trình này, họ muốn trữ oxy, buộc mình phải giải thích rõ với họ. Nhưng mình cũng cần phải xem xét thật kĩ để tránh bỏ sót các trường hợp họ thật sự cần thiết”.

Nguồn Mực Tím

Lên đầu trang