TP.HCM đang trong đợt dịch thứ 4, nhiều ngành nghề đối mặt với muôn vàn khó khăn. Nhưng trong tình cảnh khó khăn này, đồng bào TP lại tiếp tục sẻ chia, “lá lành đùm lá rách” cùng nhau vượt khó.
Hàng loạt cách thức giúp đỡ nhau trong mùa dịch như ATM gạo, gian hàng 0 đồng, chuyến xe 0 đồng, hỗ trợ tiếp tế đồ ăn cho người trong khu cách ly… Người có công thì góp công, có của thì góp của, cùng chung tay dìu nhau qua đại dịch.
Giảm tiền trọ
Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhiều người lao động mất việc, giảm thu nhập, ông Nguyễn Văn Tới đã tình nguyện giảm nửa thu nhập của mình để san sẻ khó khăn với mọi người.
Ông Tới (tên thường gọi là Út) cho thuê trọ ở hẻm 352 (phường 28, quận Bình Thạnh) với 32 phòng. Khi con hẻm này bị phong tỏa vì dịch, ông Út liền giảm 50% tiền trọ tháng 6 để chia sẻ khó khăn với bà con thuê phòng.
Thu nhập chính của gia đình ông là tiền cho thuê trọ. Nhưng không chỉ riêng năm nay mà đợt dịch năm trước, ông Út cũng giảm 2 tháng tiền trọ với mỗi tháng 500.000 đồng và chịu thiệt hàng chục triệu đồng về phần mình.
“Bà con trọ chỗ tui chủ yếu dân lao động khó khăn. Nhiều người còn không đi làm được do phong tỏa, nên tôi chia sẻ được chút nào hay chút nấy. Tui giảm tiền xong, thấy họ mừng tui cũng mừng lây” – ông Út trải lòng.
Ngoài giảm tiền trọ, ông Út còn phân phát gạo, mì gói và các nhu yếu phẩm khác cho người dân khu trọ. Ông cùng người nhà mua đồ về rồi cùng nhau chia phần, sau đó phát phiếu cho các hộ ở trọ để bà con đến lấy.
Có nhà hảo tâm hỗ trợ khoai lang, lo bà con ở trọ không đủ gas chế biến, nhà ông Út còn luộc sẵn khoai hay nấu cơm để họ đến lấy. Bà con ở đây chia sẻ hiếm ai được như ông, thấy người thuê trọ khó khăn là ông tự động giảm chứ không cần ai mở lời. Nhiều người trân quý mến ông Út, gắn bó với ông nhiều năm liền.
Giãn cách mà lại thân thương nhiều người
Chị Nguyễn Thị Thúy Hiền (ngụ phường 15, quận Bình Thạnh) kinh doanh quán ăn, phải tạm ngừng vì dịch. Chị chia sẻ nhà không dư dả nhưng có cái gì thì giúp bà con cái nấy.
Từ ngày dừng quán ăn gia đình, chị Hiền vẫn không ngơi nghỉ mà bắt tay nấu những phần đồ ăn sáng thơm ngon. Thay vì bán cho khách, các món này lại được phục vụ miễn phí cho bà con trong khu bị phong tỏa.
Ban đầu, chị Hiền tự đứng ra giúp bà con xung quanh nhưng ngày càng nhiều khu vực bị phong tỏa nên số người cần giúp ngày một nhiều. Chị quyết định chia sẻ lên Facebook kêu gọi mọi người chung tay để chị nấu đồ ăn sáng hay cơm trưa cho mọi người.
Ai góp rau củ, sữa, gạo thì chị mua thêm thịt cá để nấu cơm rồi chia phần gửi mọi người. Hôm nào không đủ đồ nấu ăn thì chị chạy đi xin thêm cơm của một số nơi đem phân phát cho các khu phong tỏa.
Mỗi ngày chị đến một nơi từ hẻm 352/17/7 (phường 28, quận Bình Thạnh), hẻm 25, 57, 71 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), hẻm 346 và hẻm 332 Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh)… Cứ như thế mỗi ngày chị đều chạy đôn chạy đáo lo từng bữa ăn cho nhiều bà con khu phong tỏa.
“Giữa thời buổi dịch bệnh, mình đi lại nhiều cũng rất sợ, nhưng mình chú ý cẩn thận chút là được. Chứ nếu ai cũng sợ không ra đường hay cứu trợ trong khu cách ly thì bà con khó khăn và mấy em sinh viên rất tội nghiệp. Công việc cực nhọc nhưng giúp được mọi người mình rất vui” – chị Hiền tâm sự.
Còn chị N.H.D. (ngụ tại hẻm 57 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh) sống trong con hẻm bị phong tỏa mới một tuần lễ nhưng khiến chị nhận nhiều điều trân quý xung quanh mình. Cũng trong thời gian phong tỏa này chị mới có dịp để làm quen nhiều hơn với hàng xóm xung quanh.
Chị kể nhà chỉ cách chốt phong tỏa 10m, từ ngày bị phong tỏa nhà hảo tâm đến giúp đỡ nhiều đến mức chị không nhớ hết. Mỗi ngày đều có nhà hảo tâm đến phát đồ ăn sáng, cơm trưa, rau củ quả, cá thịt…
Nhờ dịch bệnh mà xóm chị trở nên đoàn kết sẵn sàng san sẻ cho nhau từng chút. Chị nghe nói nhiều bạn sinh viên ở cuối hẻm, ra trễ hết phần ăn, các bạn phải ăn mì gói. Có bạn nói không biết có nhà hảo tâm hỗ trợ đồ ăn nên mấy ngày nay chỉ toàn ăn mì thôi. Thấy thế, chị nhắn tin cho các nhà hảo tâm trên Facebook để xin phần cho các bạn.
Vừa nhắn là ngay sáng hôm sau chị D. có ngay 20 phần bánh canh do chị Hiền Nguyễn (một người chị mà chị chưa gặp lần nào, chỉ biết nhau qua Facebook) và bánh mì nem nướng, xoài, dầu gội của một chị cùng xóm mà nhờ COVID-19 hai chị em mới biết nhau.
“Chồng tôi bảo xóm bị phong tỏa mà vợ chồng quen biết quá trời chị em, kể cả mấy bạn sinh viên láng giềng. Ngày thường ở Sài Gòn bận rộn, những ai có gia đình con cái rồi mỗi ngày lo cơm áo gạo tiền là hết thời gian. Vậy mà nay tình làng nghĩa xóm thương quý biết bao nhiêu”.
Nhiều mô hình nhân ái trao đi
Dịch bùng phát, nhiều mô hình nghĩa tình san sẻ khó khăn cho người yếu thế ra đời, như cơm 0 đồng, chuyến xe 0 đồng, sạp rau 0 đồng, ATM gạo, tủ lạnh cộng đồng…
Đặt tại số 100 đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), tủ lạnh cộng đồng của anh Nguyễn Tuấn Khởi hằng ngày vẫn cung cấp rau củ, trứng… cho người khó khăn đến lấy.
Anh Khởi chia sẻ người cần có thể đến lấy, người đang đủ đầy có thể bỏ thêm vào để giúp đỡ lẫn nhau. Ngoài tủ lạnh cộng đồng, mỗi ngày anh Khởi và bạn bè thiện nguyện còn tổ chức 4 bếp ăn nấu 10.000 suất cơm cho khu cách ly, phong tỏa.
Một mô hình khác là ATM gạo, tuy không mới nhưng đã giúp nhiều người tạm vượt cơn khó khăn. ATM gạo được đặt tại nhiều nơi, trong đó có ATM gạo tại Trường mầm non Bông Sen (phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM), ATM gạo tại Khu huấn luyện quân sự quận Tân Phú và ATM gạo đặt tại Nhà thiếu nhi quận Phú Nhuận…
Tại ATM gạo ở phường Thạnh Lộc, mỗi ngày có gần 50 tình nguyện viên liên tục túc trực để vận hành máy ATM gạo và gian hàng 0 đồng cho người dân địa phương. Phụ trách ATM gạo và gian hàng không đồng tại đây, anh Tăng Hoài Phúc vui vẻ chia sẻ mỗi ngày phân phát cho người dân trong khu vực 2 tấn gạo và 2 tấn rau củ do nhà hảo tâm khắp nơi gửi về…