TPHCM tổ chức thi tuyển công chức: Tinh thần, thái độ phục vụ là một trong những tiêu chí quan trọng nhất

Dự kiến ngày 15-3, TPHCM tổ chức thi tuyển công chức cho các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức. Người dự tuyển không cần có hộ khẩu tại TPHCM. Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, cho biết, ở kỳ thi này thành phố sẽ chú trọng đánh giá chính xác hơn về phương pháp tư duy, kỹ năng giải quyết, xử lý tình huống thực tế và tinh thần, thái độ phục vụ của người tham gia dự tuyển.

Cần người có khả năng xử lý tình huống thực tế

Phóng viên: Thưa ông, những lĩnh vực, ngành nghề nào TPHCM cần tuyển nhiều công chức?

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM HUỲNH THANH NHÂN: TPHCM có nhu cầu tuyển dụng 1.004 công chức, tập trung ở các lĩnh vực: thanh tra, xây dựng, tài chính, văn phòng, kế hoạch – đầu tư, tài nguyên – môi trường… Đây đều là những lĩnh vực có khối lượng công việc chuyên môn lớn, có tác động trực tiếp đến đời sống và nhu cầu cơ bản của nhân dân. Đồng thời, các lĩnh vực này đòi hỏi thường xuyên tương tác với người dân, doanh nghiệp, trực tiếp nắm và quản lý địa bàn nên cần nguồn nhân sự lớn hơn so với những lĩnh vực khác.

Trong kỳ thi này, làm thế nào để TPHCM tuyển được người làm việc thực chất, có tinh thần phục vụ?

Kỳ thi tuyển công chức của TPHCM năm nay được tổ chức theo quy trình gồm 2 vòng: vòng 1 thi trắc nghiệm môn Kiến thức chung và Ngoại ngữ trên máy tính; vòng 2 thi viết môn Nghiệp vụ chuyên ngành. 

Hiện nay, TPHCM tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức, hướng tới nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức. Ngoài việc kiểm tra kiến thức chuyên môn, hiểu biết về bộ máy nhà nước, về ngành, lĩnh vực; kỳ thi cũng chú trọng đánh giá chính xác hơn về phương pháp tư duy, kỹ năng giải quyết, xử lý tình huống thực tế cũng như tinh thần cầu thị, thái độ nghiêm túc của người tham gia dự tuyển. TPHCM cần người làm được việc, có khả năng ứng biến –  xử lý công việc thực tế phát sinh liên tục với tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tinh thần, thái độ phục vụ có thể nói là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để lựa chọn, sử dụng và đánh giá cán bộ, công chức.

Các xã, phường vừa thực hiện cắt giảm cán bộ không chuyên trách. Ông nhận xét thế nào về cơ hội được trở thành công chức của số cán bộ này?

Người hoạt động không chuyên trách cấp xã hiện nay để trở thành công chức cũng phải trải qua tuyển dụng. Theo tôi, những người hoạt động không chuyên trách có nhiều thuận lợi để trở thành công chức. Bởi họ đã có hiểu biết nhất định về bộ máy nhà nước các cấp (nhất là cấp cơ sở), về vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và vị trí dự kiến tham gia dự tuyển. Đồng thời, họ đã tích lũy được một số kỹ năng, kinh nghiệm trong quá trình công tác trước đây. Song, kỳ thi còn có nhiều người có trình độ cao, được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước, rất năng động, sáng tạo, giỏi ngoại ngữ nên tính cạnh tranh rất lớn. Vì thế đòi hỏi người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã phải nỗ lực nhiều hơn, cần trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm mới có thể đạt kết quả tốt khi thi tuyển. 

Có thu nhập tăng thêm chính đáng

TPHCM đang thực hiện chính quyền đô thị. Vậy công chức được tuyển dụng sẽ là công chức cấp nào? Trường hợp không phân biệt công chức theo cấp quận, phường việc luân chuyển, điều động công chức từ phường lên quận và ngược lại, có rộng mở hơn so với trước đây? 

Kỳ thi tuyển công chức mà UBND TPHCM đang thực hiện là tuyển công chức làm việc tại các phòng, ban, cơ quan, đơn vị thuộc sở, ban, ngành thành phố và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (không bao gồm các vị trí công chức làm việc tại xã, thị trấn). Thực hiện chính quyền đô thị, TPHCM thống nhất về chế độ công vụ, công chức giữa UBND quận, phường với thành phố. Từ ngày 1-7-2021, công chức của UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, TP Thủ Đức nên khi điều động, luân chuyển từ phường lên quận, TP Thủ Đức (và ngược lại) sẽ thuận lợi hơn so với trước đây. 

Riêng đối với các huyện vẫn thực hiện việc xét chuyển công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên đối với những trường hợp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu của vị trí cần tuyển. Việc kiểm tra, sát hạch do cấp huyện thực hiện theo nhu cầu thực tế và được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Thưa ông, câu chuyện lương bổng, môi trường làm việc, cơ hội học hỏi, cơ hội thăng tiến… là những vấn đề cốt lõi mà người lao động thường quan tâm khi tìm kiếm việc làm phù hợp. Nếu trở thành công chức TPHCM, người lao động được hưởng chế độ đãi ngộ ra sao? Cơ hội phát triển nghề nghiệp như thế nào?

Người trúng tuyển công chức sau khi được tuyển dụng sẽ phải trải qua thời gian tập sự (nếu không thuộc trường hợp được miễn tập sự) và được hưởng các chế độ, chính sách về tiền lương, phụ cấp… theo quy định. Đặc biệt, ngoài các chính sách khung nêu trên, công chức của TPHCM còn được hưởng chính sách chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND. Đây là một trong những chính sách đặc thù của thành phố, góp phần đảm bảo đời sống của công chức trong điều kiện sinh hoạt của đô thị đặc biệt. Chính sách này cũng giúp giảm tình trạng “chảy máu chất xám” từ khu vực công, góp phần thu hút, giữ chân đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội thành phố.

Ngoài các chính sách về tiền lương và tăng thu nhập nêu trên, công chức còn được tạo điều kiện làm việc trong môi trường năng động, tương tác cao. Công chức cũng được tạo điều kiện nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ. BOX:Cùng với thi tuyển công chức, TPHCM cũng có nhiều phương thức khác để tuyển dụng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó tiêu biểu là chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt cho những dự án nghiên cứu, công trình khoa học, các chương trình, dự án, lĩnh vực trọng điểm của thành phố. 

Lên đầu trang