Khi tình người tỏa lan trong khốn khó

 Cùng với cuộc chiến chống dịch, có một cuộc thi khác đã âm thầm tỏa lan bao câu chuyện ấm áp nghĩa tình, giữa những ngày TP.HCM oằn mình chống chọi đợt dịch COVID-19 thứ 4 vừa qua.

Khi tình người tỏa lan trong khốn khó - Ảnh 1.
ATM gạo, khẩu trang miễn phí được các bạn trẻ vận hành cùng bà con khó khăn nương tựa nhau đi qua những ngày dịch bệnh – Ảnh: Q.L.

Cuộc thi viết “Tình người nơi tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19” do Ban Dân vận và Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức, báo Tuổi Trẻ thực hiện không chỉ nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều người mà còn làm tròn nhiệm vụ chuyển tải, chia sẻ “câu chuyện tình người” giữa đại dịch.

Trong gian khó thêm hiểu tình nhau

Tác giả Hải An kể câu chuyện Sài Gòn đã cưu mang cô gái Hải Phòng lưu lạc tha hương từ 36 năm trước. Cô kiếm sống, lập nghiệp với xe nước mía vỉa hè, rồi có gia đình, chắt chiu xây được khu nhà trọ làm “của để dành” tuổi già. Sài Gòn “bệnh”, “cô gái ngày xưa” ấy không thể chỉ biết nhìn.

Nhận được tin nhắn xin cơm vì đói, không có sẵn cơm, bà liền đi mua mì về tặng. Lúc địa phương mở gian hàng 0 đồng hỗ trợ người mất việc vì dịch, vợ chồng bà gom gạo, mì, trứng chở ra tặng.

Lòng tốt nhân lên, nhiều người biết chuyện đã tìm đến chung sức. Vậy là bà lại đêm hôm thức khuya gạo mắm, thịt cá, lặt rau để sớm mai có cơm nóng, canh ngọt tặng những người khó hơn mình. Bà ấy là Bùi Thị Bên, 57 tuổi, ở TP Thủ Đức và bà cứ làm vậy cho đến ngày Sài Gòn khỏe lại, nhịp sống nhộn nhịp như vốn dĩ.

Tác giả Chu Thị Lê Hương (Sở Y tế TP.HCM) bồi hồi kể câu chuyện bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy chia sẻ từng giọt sữa của mình cho một bệnh nhân 7 tháng tuổi tại Bệnh viện Trưng Vương. Chị Thúy vì nhiệm vụ phải xa đứa con cũng mới 10 tháng tuổi nên gặp đứa bé 7 tháng, khát sữa nhưng phải xa mẹ đang điều trị COVID-19 đã không ngần ngại chăm cô bé ấy như nuôi con mình.

Câu chuyện bác sĩ Thúy vắt sữa cho bệnh nhi 7 tháng đã lan đi. Nhiều nhà hảo tâm biết tin đã gửi vào từng bình sữa nhỏ, máy hâm sữa, tã giấy cho những đứa trẻ, tiếp sức cùng bác sĩ chăm các cháu. Vậy là giữa khốn khó của những ngày tháng không muốn nhớ ấy, tấm lòng của bao người làm động lực tiếp sức cho các thiên thần áo trắng chiến đấu với COVID-19.

Là bài viết về người vợ nhân viên y tế mà tác giả Yên Hòa thật thà bảo rằng “khi tiễn vợ đi nghĩ chắc cũng nhanh như mấy lần trước chứ có ngờ đâu 2 tháng rồi vẫn chưa thấy bóng vợ”. Để những cuộc điện thoại chớp nhoáng, tranh thủ về cho cha con cũng thường xuyên bị ngắt quãng đột ngột vì “có bệnh rồi, em phải đi nhận bệnh đây, em phải đi lấy mẫu cho bệnh nhân”…

Và thật nhiều câu chuyện người thật, việc thật được kể bình dị như thế giữa đại dịch, như những đốm sáng lấp lánh nhưng đủ khiến người ta hy vọng, chờ đợi một hừng đông sau khi đêm đi qua.

Cổ vũ tinh thần đoàn kết

Vốn dĩ ban đầu là cuộc thi viết dành cho các đối tượng nói chung song Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã giao Ban Dân vận Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Đảng Đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM nghiên cứu tổ chức Giải báo chí “Chuyên đề phòng, chống dịch COVID-19” trên địa bàn thành phố.

Do đó đã có hai bảng thi, một cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân thành phố; bảng thi còn lại dành cho các cơ quan báo chí. Mỗi bài viết mang giá trị riêng song tựu trung đã góp phần giáo dục lối sống đẹp, cổ vũ tinh thần đoàn kết, lan tỏa những câu chuyện nhân văn, khắc họa rõ nét sự hy sinh, xả thân của lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Ban tổ chức đánh giá các tác phẩm được đầu tư kỹ lưỡng, ghi dấu sự dấn thân của người làm báo. Các tác giả đã cùng với lực lượng tuyến đầu, tình nguyện viên, cán bộ công chức không quản gian khổ, hy sinh, nguy hiểm, sẵn sàng có mặt kịp thời tại những điểm nóng, “ổ dịch”, khu cách ly, bệnh viện dã chiến để có được các tác phẩm chân thật, giàu cảm xúc, đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả.

“Nhiều sáng kiến, cách làm hay đã được giới thiệu qua từng bài viết. Cuộc thi đã thật sự lan tỏa nhiều câu chuyện nhân văn, hình ảnh cảm động về công tác phòng chống dịch thấm đậm tình người, truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam, của người dân TP.HCM nhân ái, nghĩa tình” – phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Bạch Mai chia sẻ.

Tuổi Trẻ đoạt 10 giải thưởng

62 tác phẩm báo chí sẽ được trao giải cuộc thi viết “Tình người nơi tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19” bảng dành cho phóng viên các cơ quan báo chí. Với 5 nhóm thi, ban tổ chức trao 4 giải nhất, 12 giải nhì, 16 giải ba, 20 giải khuyến khích và 10 giải thưởng nhân vật.

Báo Tuổi Trẻ đoạt 10 giải, trong đó có giải nhất nhóm tin ảnh báo chí với tác phẩm “Gần 160 ngày cùng TP.HCM chống dịch”, giải nhất nhóm phóng sự – ký báo chí cho loạt hồ sơ nhiều kỳ “Cuộc chiến của các F0” cùng 3 giải ba, 4 giải khuyến khích và 1 trong 10 giải của nhóm giải thưởng nhân vật.

Báo Quân Đội Nhân Dân nhận giải nhất nhóm phỏng vấn – tường thuật – ghi nhanh với loạt bài “Dành những gì tốt nhất cho TP.HCM chống dịch”, Đài truyền hình TP.HCM nhận giải nhất nhóm công trình tập thể với tác phẩm “HTV từ tâm dịch”.

Bảng thi dành cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân thành phố ghi nhận 5.500 bài dự thi và Liên đoàn Lao động TP.HCM thi nhiều nhất với 1.296 bài.

26 bài xuất sắc đã đoạt giải. Tác giả Chu Thị Lê Hương (Sở Y tế TP.HCM) giải nhất với bài “Bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy: Mình tiếp tục vắt sữa gửi xuống cho bé đây!”. Ngoài ra còn có 2 giải nhì, 3 giải ba và 20 giải khuyến khích. Dự kiến lễ tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào ngày 12-2.

QUỐC LINH (Báo Tuổi trẻ)

Scroll to Top